Thúc đẩy truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế

NDO - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ trì hội thảo.
Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có hơn 150 đại biểu là những chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; đại biểu các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội; lãnh đạo các nhà trường, học viện, các cơ quan nghiên cứu…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Truyền thông về chính sách nói chung và truyền thông về đa văn hóa nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi một quốc gia. Đây cũng là vấn đề được Việt Nam và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm, đầu tư, nghiên cứu làm rõ.

Truyền thông chính sách về đa văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Thực tiễn chứng minh, truyền thông chính sách ở nước ta đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là kênh thông tin hữu hiệu để các cơ quan chức năng kịp thời lắng nghe ý kiến góp ý của các tổ chức doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách.

Trong thành công chung của các hoạt động đó, truyền thông chính sách về đa văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, sự hòa hợp dân tộc, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; qua đó, giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thúc đẩy truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ảnh 1

Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tuy nhiên, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng ở Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế và bất cập nhất định. Đặc biệt, truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là vấn đề mới, tồn tại nhiều khoảng trống nghiên cứu lớn về cả lý luận cũng như thực tiễn. Không ít chủ thể truyền thông chính sách chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của vấn đề văn hóa, dân tộc; thông tin chính sách tiếp cận đến đồng bào các dân tộc, nhất là các vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế…

Hệ quả của việc truyền thông chính sách về đa văn hóa không bảo đảm chất lượng có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách về đa văn hóa phải được chú trọng thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả như một ưu tiên hàng đầu.

Được chia làm hai phiên thảo luận, các tham luận và thảo luận tại Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn; các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và nhiều giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả truyền thông đa văn hóa trong tình hình mới.

Thúc đẩy truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ảnh 2

Quang cảnh Hội thảo.

Phiên 1: “Lý luận truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Trong phần này, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Tăng cường hoạt động truyền thông về bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh giao lưu đa văn hóa; Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã định hình các gia đình văn hoá như thế nào?; Truyền thông chính sách về đa văn hóa ở Việt Nam và những vấn đề mang tính định hướng của các chuyên gia trong và ngoài nước ...

Phiên 2: “Kinh nghiệm và thực hành tốt trong truyền thông chính sách về đa văn hóa” với các nội dung thảo luận đáng chú ý như: Chủ nghĩa thể chế trong nền kinh tế như một văn hóa; Truyền thông chính sách Hàn Quốc: Trải nghiệm, dấu ấn và gợi ý cho truyền thông chính sách Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Truyền thông về đa dạng văn hóa với tư cách là một giá trị quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế….