Đây là nội dung được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nêu khi phát biểu tại hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng công nghệ trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn” chiều 1/10.
Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Innovate Vietnam) 2024 đang diễn ra tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), quy tụ nhiều tên tuổi hàng đầu trong làng công nghệ thế giới và Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang trong thời điểm hết sức quan trọng, phấn đấu cao nhất hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị tâm thế bước vào 5 năm còn lại của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn phát biểu tại hội thảo. |
“Quỹ thời gian còn lại rất ít trong khi mục tiêu đề ra rất cao, thách thức rất lớn”, Bộ trưởng lưu ý và cho rằng, để nắm bắt các cơ hội, dù là nhỏ nhất, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần phải dựa vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành công nghiệp mới nổi, trong đó có công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã và đang hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn và công nghiệp AI. “Chúng ta có hệ thống chính trị ổn định, quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ đông đúc, nhiệt huyết, có năng lực tiếp cận về khoa học công nghệ, nhất là các lĩnh vực STEM. Nguồn nhân lực là lợi thế lớn nhất của Việt Nam hiện nay”.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược quốc gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là cơ sở hết sức quan trọng, trong đó đề án đào tạo nhân lực là “đột phá của đột phá”, “then chốt của then chốt”, cần sự chung tay của các trường, viện, và các bộ, ngành, địa phương.
Hiện nay, Việt Nam đã hình thành một hệ sinh thái bán dẫn, trí tuệ nhân tạo có quy mô lớn trong khu vực, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn như Google, Meta, Qualcomm, Intel, NVIDIA, AMD… và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
TS Ettikan Karuppiah, Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn NVIDIA trình bày tham luận. |
Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp công nghệ cao và trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trong các lĩnh vực này thời gian tới.
“Các doanh nghiệp yên tâm và hãy tin tưởng vào Việt Nam, tin tưởng vào sự cam kết đồng hành lâu dài của Chính phủ. Việt Nam sẽ thiết kế “luồng xanh” cho doanh nghiệp cùng chính sách hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp gồm đào tạo nhân lực, xây dựng quỹ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận và những trao đổi về chủ đề trí tuệ nhân tạo – động lực tăng trưởng, phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI tại Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực AI và bán dẫn, trách nhiệm xã hội trong việc phát triển AI.
Các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu trong làng công nghệ thế giới và Việt Nam như: ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách Đối ngoại toàn cầu, Tập đoàn Meta; bà Becky Fraser, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Tập đoàn Qualcomm; ông Ettikan Karuppiah, Giám đốc/Chuyên gia công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn NVIDIA; bà Sarah Kemp, Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ Quốc tế, Tập đoàn Intel; ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor,…