Sáng 16/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), phiên thảo luận “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Kamal Ait Mik, nghị sĩ Maroc, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).
Đây là phiên thảo luận chuyên đề thứ 3 và cũng là phiên thảo luận cuối cùng trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức.
Tại phiên thảo luận này, các diễn giả và đại biểu tập trung chia sẻ ý kiến về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa.
Bà Gabriela Ramos, Phó Tổng Giám đốc Khoa học Xã hội và Nhân văn của UNESCO: UNESCO sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để thúc đẩy việc nâng cao bộ kỹ năng cho thanh niên
Bà Gabriela Ramos cho rằng, việc thế giới thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các thách thức như chiến tranh, biến đổi khí hậu... đã gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia và thế hệ trẻ. Trong bối cảnh này, UNESCO tin tưởng sự tham gia tích cực của người trẻ vào các vấn đề chính trị sẽ đem lại nhiều kết quả, tiến triển tích cực.
Diễn giả này cho biết, UNESCO đã có nhiều nỗ lực, kế hoạch cụ thể để khuyến khích người trẻ tham gia giải quyết các vấn đề lớn, tăng cường vai trò của giới trẻ, đưa ra những công cụ, khuôn khổ phù hợp để tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy sự tham gia của thanh niên một cách bao trùm.
Với sự trợ giúp của các công cụ, các khuôn khổ, các chương trình đào tạo về truyền thông số, giới trẻ có thể tiếp cận những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 để tạo ra sự thay đổi.
Bà Gabriela Ramos khẳng định, UNESCO sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để thúc đẩy việc nâng cao bộ kỹ năng cho thanh niên, đồng thời tin tưởng rằng thế hệ trẻ sẽ có hiểu biết, có trách nhiệm, có ý thức sử dụng các công cụ đúng mục đích để hướng tới sự phát triển bền vững.
Giáo sư Jean Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE: Cần có sự hợp tác giữa các nhà khoa học với các nghị sĩ và nhà hoạch định chính sách
Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ về tầm quan trọng và sự cần thiết của khoa học, công nghệ trong sự phát triển bền vững. Ông khẳng định, khoa học cơ bản chính là nền tảng, động cơ của khoa học ứng dụng, đưa vào áp dụng trong thực tiễn và giúp xã hội phát triển bền vững.
Giáo sư Trần Thanh Vân nêu dẫn chứng, khoa học đã góp phần giúp thế giới chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm ra vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 hiệu quả.
Giáo sư Jean Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ICISE phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Giáo sư cho biết thêm, tại Hội nghị Khoa học vì hòa bình, nghị viện các nước đã nhất trí về sự cần thiết của việc liên kết nghị sĩ trên thế giới về các vấn đề lớn dựa trên tinh thần ngoại giao, khoa học, vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình.
Qua đó, Giáo sư nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học và công nghệ trong sự phát triển bền vững, đó là mục tiêu để hợp tác giữa IPU và các hội khoa học quốc tế.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Quốc hội Việt Nam chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững
Ông Bùi Hoài Sơn cho biết, trong Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, UNESCO khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.
Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em. Cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia-dân tộc, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam đã, đang thực thi và không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách theo phương châm xuyên suốt “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Ông Bùi Hoài Sơn cho biết, Quốc hội Việt Nam quan tâm, chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành chính sách nhằm thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững...
Ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm tại các cơ chế đa phương, góp phần phát huy, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa trên quy mô khu vực và quốc tế.
Đại biểu của Indonesia: Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc: thống nhất trong đa dạng
Nghị sĩ Indonesia cho biết, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc: thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa, nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để giúp quốc gia đạt được mục tiêu phát triển.
Các mục tiêu phát triển bền vững luôn là một phần trong nền văn hóa, triết lý phát triển của người Indonesia. Dựa trên triết lý đó, Indonesia đã nỗ lực hướng tới các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học. Những mục tiêu này liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hòa bình, hợp tác cho các quốc gia, khu vực.
Theo đại biểu này, Indonesia có định hướng rõ ràng trong việc phát triển nền văn hóa, duy trì sự tự do của người dân, đề cao những giá trị văn hóa của khu vực mình. Indonesia cũng có những bộ luật thúc đẩy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa của các dân tộc, tiếp tục duy trì, phát triển, tăng cường hơn nữa sự đa dạng văn hóa này.
Đại biểu Quốc hội Việt Nam: Văn hóa ngày càng đa dạng nhờ sự đóng góp của thanh niên
Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, thanh niên đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đa dạng văn hóa. Giới trẻ đang tạo ra những hình thức thúc đẩy văn hóa mới như nghệ thuật số, nghệ thuật truyền thông. Văn hóa đang ngày càng trở nên đa dạng nhờ sự đóng góp của thanh niên.
Đoàn nghị sĩ trẻ của Quốc hội Việt Nam tham dự phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Để tăng cường vai trò, thế mạnh của giới trẻ trong thúc đẩy đa dạng văn hóa, đại biểu cho rằng cần có khuôn khổ chính sách toàn diện, khuyến khích sự tham gia lành mạnh của thanh niên. Các nghị viện cần đóng góp vai trò chính trong việc xây dựng các chính sách quản trị; các nhà hoạch định chính sách cần có những nguyên tắc đa dạng văn hóa tổng quan, đưa những nguyên tắc này vào những chính sách và hoạt động hợp tác của thanh niên.
Đại biểu của Nga: Nga khuyến khích tổ chức ngày hội thanh niên, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là với Việt Nam
Theo nghị sĩ của Nga, một trong những trọng tâm phát triển của nước này đến năm 2030 là chuyển đổi số, trong đó điểm nhấn là an ninh mạng. Thời gian gần đây, Nga đã đối mặt với nhiều vụ tấn công mạng, trong đó nhiều vụ nhằm vào khu vực công.
Nghị sĩ này cũng đánh giá, Nga và Việt Nam có quan hệ hợp tác bền chặt, với trọng tâm là phát triển công nghệ số, xây dựng thành phố thông minh. Nga ủng hộ, thúc đẩy việc bảo tồn văn hóa, bảo vệ các di sản văn hóa, khuyến khích tổ chức các lễ hội văn hóa, ngày hội thanh niên, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là với Việt Nam.
Đại biểu đến từ Nga đề nghị mối quan hệ hợp tác này cần được tăng cường và thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.
Đại biểu của Algeria: Cần nuôi dưỡng, giáo dục người trẻ biết tôn trọng hơn nữa giá trị gia đình và quốc gia
Nghị sĩ Algeria cho biết, quốc gia này luôn nỗ lực bảo vệ tính đa dạng văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, Algeria đang đối mặt với các thách thức có tác động đến sự đa dạng văn hóa, một bộ phận giới trẻ hiện nay cũng là nạn nhân của hành vi bạo lực và phân biệt đối xử.
Do đó, nghị sĩ này nhận định, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tìm được sự cân bằng giữa du nhập giá trị văn hóa bên ngoài cũng như bảo vệ giá trị văn hóa quốc gia.
Theo đại biểu đến từ Algeria, điều quan trọng là cần tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia nhiều hơn các hoạt động cộng đồng và nâng cao nhận thức để hiểu hơn về giá trị văn hóa quốc gia; đồng thời cần nuôi dưỡng, giáo dục người trẻ biết tôn trọng hơn nữa giá trị gia đình và quốc gia.