Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng trên sàn thương mại điện tử

NDO - Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đây là giải pháp tối ưu để xóa bỏ khoảng cách về địa lý, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong cả nước tiếp cận và sử dụng sản phẩm đặc trưng của tỉnh vùng cao Hà Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Hợp tác xã Hải Khang giới thiệu sản phẩm giò bò được chế biến từ thịt bò Vàng vùng cao.
Nhân viên Hợp tác xã Hải Khang giới thiệu sản phẩm giò bò được chế biến từ thịt bò Vàng vùng cao.

Tỉnh Hà Giang có hơn 700 hợp tác xã với 21 nghìn thành viên, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ. Trong những năm gần đây, các hợp tác xã có sự tiến bộ trong công tác quản lý, chuyển đỏi nhận thức, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất sản phẩm đặc trưng ở địa phương. Hỗ trợ người dân, xã viên vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu mua và chế biến sản phảm để tiêu thụ ra thị trường.

Ông Hoàng Hồng Trường, Chi cục Trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: “Việc làm này đã khắc phục tình trạng sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nâng cao vai trò chủ thể trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp”.

Tỉnh Hà Giang có 233 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó có đến 80% chủ thể là các hợp tác xã. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Hà Giang đều mang tính đặc trưng gắn với vùng nguyên liệu địa phương.

Sự năng động của các hợp tác xã đã tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đối với bốn huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là các sản phẩm mật ong bạc hà, dược liệu, dệt thổ cẩm, thịt bò vàng vùng cao. Đối với các huyện vùng thấp và vùng cáo núi đất phía tây là là các sản phẩm cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, cây cam, quýt và cây chè Shan tuyết.

Tuy nhiên, do các hợp tác xã thiếu kinh nghiệm quản lý và đều nằm ở các huyện vùng cao, cách xa các thị trường lớn trong nước nên việc tiêu thụ sản phẩm theo kênh bán hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Bà Lò Thị Mỷ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang: “Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận với công nghệ mới. Cụ thể là tổ chức các lớp tập huấn cho các hợp tác xã ở 11 huyện, thành phố. Nội dung tổ chức hoạt động đưa sản phẩm, trình chiếu sản phẩm trên môi trường số; cách thức thiết kế, xây dựng không gian quảng bá sản phẩm trên môi trường số; cách bán hàng qua môi trường số. Cùng với đó, đứng ra kết nối, đưa sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang lên sàn thương mại điện tử”.

Hợp tác xã Hải Khang, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang được thành lập từ năm 2009. Ngay từ những năm đầu thành lập, hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết để chế biến thực phẩm sạch, an toàn từ nguồn nguyên liệu địa phương. Các sản phẩm của hợp tác xã được chế biến từ vật nuôi bản địa như lợn đen, gà đồi, thịt bò vàng. Hiện nay, hợp tác xã có 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Những năm trước, việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã thông qua các kênh bán hàng truyền thống. Đến đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kênh bán hàng truyền thống gặp khó khăn, hợp tác xã đã chuyển đổi sang bán hàng qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm của hợp tác xã đều có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc nên đáp ứng đầy đủ tính pháp lý để bán trên các sàn thương mại điện tử.

Dưới sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã Hà Giang và các cơ quan liên quan, các sản phẩm OCOP của hợp tác xã đã được bán trên các sàn thương mại điện tử như VoSo, Shopee, Lazada. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng đã thuê một nhân viên chuyên bán hàng trực tuyến. Năm 2022, dự kiến doanh thu của hợp tác xã Hải Khang đạt khoảng 15 tỷ đồng, trong đó 40% doanh thu từ các đơn hàng qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Thanh Hương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Hải Khang chia sẻ: “Được các ngành của tỉnh hỗ trợ tập huấn, hỗ trợ kết nối với các sàn thương mại điện tử nên hợp tác xã nhanh chóng bắt nhịp với hình thức kinh doanh trên nền tảng số. Với một hợp tác xã ở địa bàn vùng cao, hình thức bán hàng mới mẻ này giúp chúng tôi quảng bá, tiếp cận đối tượng khách hàng rộng hơn. Không mất nhiều thời gian đi lại, vận chuyển nhưng vẫn trực tiếp giao hàng đến tận tay người tiêu dung.

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng trên sàn thương mại điện tử ảnh 1

Chè Shan tuyết được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ kênh tiêu thụ từ sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, tỉnh Hà Giang có khoảng 100 hợp tác xã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Shop VnExpress, Lazada, Shopee. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao và là những sản phẩm đặc trưng, gắn với nguồn nguyên liệu địa phương như: Mật ong bạc hà; các sản phẩm từ chè shan tuyết cổ thụ; các sản phẩm chế biến từ dược liệu; gạo đặc sản. Việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số giúp các hợp tác xã nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ, nắm bắt thông tin khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản Hà Giang.

Hợp tác xã Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê chuyên sản xuất sản phẩm từ củ nghệ, một lại cây đặc sản bản địa. Hiện nay, ngoài kênh bán hàng truyền thống, hợp tác xã đã thuê quản trị viên thực hiện công việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, cập nhật, đăng tải các hình ảnh đẹp về sản phẩm, cung cấp quá trình sản xuất, truy xuất lô hàng. Bà Trần Thị Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Ngọc Sơn cho biết, song hành cùng với kênh bán hàng truyền thống, hai năm trở lại đây, hợp tác xã tập trung đầu tư thiết bị để bán hàng trên nền tảng số. Việc làm này giúp hợp tác xã quảng bá hình ảnh rộng hơn và cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn, khách hàng cũng phong phú hơn. Hai năm gần đây, doanh thu của hợp tác xã đạt khoảng 10 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ việc bán hàng trên nền tảng số đạt khoảng 3 tỷ đồng.

Bên cạnh mặt đạt được, các hợp tác xã ở Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn khi kinh doanh trên nền tảng số. Việc bán hàng trên nền tảng số xảy ra tình trạng lợi dung thương hiệu. Do đó, các ngành chức năng cần có chế tài chặt chẽ nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã bán hàng trên nền tảng số không bị lạm dụng thương hiệu. Bên cạnh đó, các hợp tác xã ở vùng cao cũng cần được chính quyền địa phương tập huấn, cập nhật thường xuyên kiến thức mới về chuyển đổi số.

Ông Hoàng Hồng Trường, Chi cục Trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay, nhiều hợp tác xã nông nghiệp gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm vì sản xuất mang tính chất nhỏ lẻ, chưa có sự cải tiến về mẫu mã, chưa có nhiều sản phẩm mới. Do đó, các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã tìm tòi, nghiên cứu ra những sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu địa phương, gắn với đó là hỗ trợ các hợp tác xã cải tiến mẫu mã, xúc tiến quảng bá sản phẩm mới.