Thúc đẩy tăng trưởng ở Nam Á

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, triển vọng tăng trưởng châu Á đã suy yếu do các điều kiện tài chính bị thắt chặt và nguồn dự trữ cạn kiệt, khiến rủi ro suy thoái tăng cao ở hầu hết các quốc gia. Báo cáo “Mở rộng các cơ hội: Hướng tới tăng trưởng bao trùm” của Ngân hàng Thế giới mới đây nhấn mạnh, sự chia rẽ kinh tế-xã hội đang làm suy yếu, hạn chế tiềm năng của khu vực Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Mạng lưới Chính sách kinh tế Nam Á lần thứ 11 về Tiến bộ xã hội. (Ảnh: BRAC)
Hội nghị Mạng lưới Chính sách kinh tế Nam Á lần thứ 11 về Tiến bộ xã hội. (Ảnh: BRAC)

Ghi nhận các “cú sốc kinh tế” chưa từng có tiền lệ trong ba năm qua ở khu vực Nam Á, báo cáo của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, quá trình chuyển đổi từ giai đoạn hồi phục sang tăng trưởng đòi hỏi việc bảo đảm tăng trưởng kinh tế bao trùm. Theo báo cáo, trong 20 năm qua, tiến trình tăng trưởng kinh tế bền vững hơn ở khu vực Nam Á đã giúp khoảng 250 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực, cải thiện đáng kể điều kiện sống. Song, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả các nhóm người và còn là chưa đủ để thúc đẩy tiến bộ xã hội bền vững.

Các chuyên gia dự báo tăng trưởng ở khu vực Nam Á có thể đạt mức trung bình 5,6% vào năm 2023, giảm nhẹ so với mức dự báo công bố hồi tháng 10/2022; tăng trưởng ​​sẽ duy trì ở mức vừa phải, dự kiến khoảng 5,9% vào năm 2024. Giá hàng hóa toàn cầu thấp hơn, cùng sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ và những gián đoạn trong chuỗi giá trị được hạn chế đang hỗ trợ sự phục hồi của Nam Á. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra, lãi suất tăng và sự không chắc chắn trên thị trường tài chính thế giới đang gây áp lực suy thoái cho các nền kinh tế của khu vực.

Tất cả các quốc gia trong khu vực ngoại trừ Bhutan đều đã hạ dự báo tăng trưởng. Tại Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á, lãi suất cao và mức tăng thu nhập chậm hơn dự kiến sẽ làm giảm tiêu dùng và làm giảm tốc độ tăng trưởng xuống còn 6,3% trong năm tài chính 2023. Tăng trưởng ở Pakistan, quốc gia vẫn đang quay cuồng vì tác động của lũ lụt thảm khốc năm 2022 và đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng nghiêm trọng, cùng niềm tin của nhà đầu tư giảm sút… được dự đoán sẽ giảm còn 0,4% trong năm nay.

Tại Sri Lanka, GDP dự kiến sẽ giảm xuống mức âm 4,3% trong năm nay, phản ánh tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng nợ vĩ mô, với triển vọng tăng trưởng trong tương lai phụ thuộc nhiều vào chương trình tái cơ cấu nợ và cải cách chính sách được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt. Ở Maldives và Nepal, hoạt động du lịch được nối lại đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng, tuy nhiên, mức nợ công cao hay các lệnh hạn chế nhập khẩu và thắt chặt tiền tệ được cảnh báo sẽ cản trở tăng trưởng.

Để đi từ phục hồi sang tăng trưởng bền vững, Ngân hàng Thế giới nhận định, Nam Á cần bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm, nhất là khi khu vực này có sự bất bình đẳng về cơ hội cao nhất thế giới.

Theo ước tính, 40-60% trường hợp chịu bất bình đẳng ở Nam Á là do các hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân như nơi sinh, hoàn cảnh gia đình, dân tộc và giới tính. Những chênh lệch như vậy dẫn đến sự khác biệt trong khả năng tiếp cận việc làm, thu nhập, tiêu dùng và phúc lợi, đồng thời tác động đến tăng trưởng chung.

Nhà kinh tế trưởng của WB tại Nam Á Hans Timmer (H.Tim-mơ) đặc biệt nhấn mạnh, sự phân chia về kinh tế-xã hội rõ rệt của Nam Á vừa không công bằng, vừa kém hiệu quả, chúng ngăn cản các cá nhân tài năng đóng góp cho xã hội, giảm động lực đầu tư vào nguồn nhân lực và làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới do đó khuyến nghị, Nam Á tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học và mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục trung học cơ sở và các cấp học cao hơn, duy trì đánh giá và tăng cường các chính sách hành động tạo điều kiện cho các nhóm “cơ hội thấp” và hướng tới chính sách cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo đảm khu vực này có thể phát triển đúng tiềm năng.