Thúc đẩy quyền vui chơi của trẻ em

Tháng 3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết công nhận ngày 11/6 hằng năm là Ngày Quốc tế vui chơi. Nghị quyết do 13 quốc gia bao gồm cả Việt Nam cùng đề xuất và được 138 quốc gia đồng bảo trợ. Nghị quyết ghi nhận vai trò của vui chơi đối với sự phát triển thể chất, kỹ năng xã hội, nhận thức, giao tiếp, đời sống tình cảm ở mọi lứa tuổi. Đồng thời, ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm tiếp cận vui chơi, các hoạt động giải trí đối với sức khỏe thể chất, tâm lý, sự phát triển của trẻ em và thanh niên.
0:00 / 0:00
0:00
Các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Linh Phan
Các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Linh Phan

Thực tiễn cho thấy vui chơi không chỉ là niềm vui, là mong muốn chính đáng của thiếu nhi mà còn là hoạt động hữu ích đối với sự phát triển về trí tuệ và cảm xúc của trẻ. Bởi vui chơi giúp nâng cao sức khỏe thể chất và kỹ năng vận động, giúp các em luôn năng động. Hoạt động vui chơi cũng giúp kích thích phát triển trí tuệ, khơi dậy trí tò mò và rèn luyện cho các em kỹ năng giải quyết vấn đề. Thông qua vui chơi, trẻ em còn có thể điều khiển cảm xúc, tự khám phá sức mạnh của bản thân; đồng thời học được cách làm việc nhóm, kỹ năng phối hợp hiệu quả.

Bà Leslie Miller, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam khẳng định, vui chơi là điều cần thiết cho một nền giáo dục có chất lượng và là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất cho sự phát triển của trẻ. Quyền vui chơi của trẻ em cũng là một trong những quyền cơ bản đã được công nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em và Luật Trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là không phải tất cả trẻ em đều có cơ hội được vui chơi thoải mái.

Theo ước tính của UNICEF, có khoảng 160 triệu trẻ em trên toàn cầu bị buộc phải làm việc thay vì vui chơi.

Theo ước tính của UNICEF, có khoảng 160 triệu trẻ em trên toàn cầu bị buộc phải làm việc thay vì vui chơi. Tại Việt Nam, vẫn còn những trẻ em không được bảo đảm quyền vui chơi lành mạnh. Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2020-2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF cùng thực hiện, 6,6% số trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế (được coi là lao động trẻ em). Hơn 50% lao động trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại với thời gian làm việc khá dài (40,6% trẻ em nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần).

Mặt khác, các cơ quan chức năng và bản thân nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của hoạt động vui chơi nên chưa dành đủ thời gian và không gian phù hợp, an toàn cho hoạt động này.

Từ thực tiễn cho thấy thúc đẩy quyền vui chơi của trẻ em cần được xác định là một trong những việc quan trọng hiện nay. Từ đó, nỗ lực bảo đảm mọi trẻ em từ thành phố đến nông thôn hay các vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với sân chơi, đồ chơi, âm nhạc, cơ sở thể thao; xây dựng các địa điểm vui chơi phù hợp với trẻ, bảo đảm không gian vui chơi an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, cha mẹ có thể tham gia chơi cùng con trẻ, vừa tăng thời gian bên con vừa giúp trẻ hạn chế thời gian trẻ tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội độc hại.