Quyền vui chơi của trẻ em

Như Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em đã khẳng định, vui chơi là quyền cơ bản của mọi trẻ em. Vui chơi góp phần không nhỏ vào sự phát triển về tinh thần và thể chất của những thế hệ tương lai. Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của điều này, ngày 11/6 hằng năm được chọn là Ngày quốc tế vui chơi.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em Hà Nội tham gia Ngày Quốc tế Vui chơi đầu tiên tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: GIANG NAM)
Trẻ em Hà Nội tham gia Ngày Quốc tế Vui chơi đầu tiên tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: GIANG NAM)

Theo sáng kiến của Việt Nam và được 138 quốc gia đồng bảo trợ, Nghị quyết về Ngày quốc tế vui chơi được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận vào tháng 3 vừa qua. Nghị quyết ghi nhận vai trò của vui chơi đối với sự phát triển về thể chất, nhận thức, khả năng giao tiếp, kỹ năng xã hội, đời sống tình cảm của con người ở mọi lứa tuổi.

Theo các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), vui chơi chính là cách trẻ em khám phá thế giới chung quanh. Vui chơi là cơ hội để trẻ học được những điều bổ ích, phát triển trí tưởng tượng, cũng như khả năng sáng tạo. Hoạt động này cũng giúp con cái và cha mẹ thể hiện và gắn kết tình yêu thương. Dưới mái trường, học tập thông qua vui chơi được đánh giá là một phương pháp giúp việc học trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn với trẻ.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động này đối với sự phát triển của trẻ em và thanh niên trên thế giới, bất kể màu da, giới tính, thành phần xuất thân... Theo Liên hợp quốc, ngoài mục đích giải trí đơn thuần, vui chơi còn là “ngôn ngữ” giúp con người vượt qua những rào cản về kinh tế, xã hội, văn hóa… để khám phá, học hỏi, kết nối, sáng tạo và đổi mới.

Theo các chuyên gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), vui chơi chính là cách trẻ em khám phá thế giới chung quanh. Vui chơi là cơ hội để trẻ học được những điều bổ ích, phát triển trí tưởng tượng, cũng như khả năng sáng tạo. Hoạt động này cũng giúp con cái và cha mẹ thể hiện và gắn kết tình yêu thương. Dưới mái trường, học tập thông qua vui chơi được đánh giá là một phương pháp giúp việc học trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn với trẻ.

Có một môi trường vui chơi an toàn và lành mạnh là điều cần thiết với trẻ em. Tuy nhiên, những khó khăn, căng thẳng trong công việc hay cuộc sống của các bậc cha mẹ lại phần nào cản trở điều này. Việc không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động này cũng là trở ngại đối với những người chăm sóc trẻ và các nhà hoạch định chính sách.

Để tạo ra một môi trường thuận lợi, cần có những chính sách khẳng định quyền được vui chơi của trẻ, khuyến khích học tập dựa trên vui chơi, cũng như những dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng, dễ tiếp cận, giá cả phù hợp… Các quốc gia cũng cần đưa ra những chính sách hỗ trợ bậc làm cha mẹ, trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết.

Thế giới đã đạt nhiều thành tựu bảo vệ quyền của trẻ em. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng, xung đột, đại dịch Covid-19… khiến cuộc sống của nhiều gia đình gặp khó khăn, đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng.

Tình cảnh này khiến các quyền cơ bản của trẻ em bị vi phạm, xóa nhòa những nỗ lực bấy lâu nay. Theo UNICEF và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2020 có đến 160 triệu trẻ em trên thế giới phải lao động thay vì học tập hay vui chơi.

Vấn đề gây nhức nhối này bắt nguồn từ lòng tham và sự vô tâm của những người làm cha mẹ, song cũng có thể từ mong muốn giảm bớt áp lực mà gia đình phải gánh chịu. Dù với lý do nào, vấn nạn này cũng khiến trẻ em phải đối mặt nguy cơ bị tổn hại về thể chất và tinh thần, ảnh hưởng việc học tập và cơ hội trong tương lai của các em.

Báo cáo thường niên của UNICEF ước tính, năm 2023, hơn 450 triệu trẻ em trên thế giới phải sống trong các khu vực xung đột, phải rời khỏi mái ấm để tránh sự khốc liệt của bom đạn. Rất nhiều trẻ trong số đó phải chịu đựng những nỗi khổ khó có thể tưởng tượng được. Tính mạng, sức khỏe bị đe dọa, nơi ở thì tạm bợ, cái ăn còn thiếu thốn thì vui chơi với các em có lẽ là điều xa xỉ.

Tuy nhiên, khi cuộc sống của trẻ bị đảo lộn bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo, chính những khoảng thời gian vui vẻ lại phần nào vỗ về tinh thần, giúp các em quên đi những biến cố đã trải qua. Theo Nghị quyết, vui chơi cũng được xem là có tác động tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác, góp phần ngăn ngừa xung đột, xây dựng hòa bình.

Việc Nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, cũng như các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế vui chơi lần đầu được tổ chức trong năm nay là một bước tiến trong nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em. Đây chính là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng một thế giới nơi mọi trẻ em đều được vui chơi.