Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Liên minh châu Âu - đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đồng chí đánh giá cao những kết quả tích cực, quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu cũng như giữa Việt Nam với các nước thành viên, trên các trụ cột: chính trị, ngoại giao; kinh tế, thương mại, đầu tư; nông, lâm, ngư nghiệp; quốc phòng-an ninh; hợp tác phát triển…
Việt Nam hoan nghênh những kết quả tích cực của việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam-EU trong bối cảnh kinh tế, giao thương và chuỗi cung ứng thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực xử lý các vấn đề mà EU quan tâm, đặc biệt là vấn đề mở cửa thị trường đối với dược phẩm. Điều này thể hiện sự thiện chí của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và EU trong quá trình thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu đặc biệt là sự phối hợp giữa Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua cơ chế đối thoại chung, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, cơ chế này giúp hai bên hiểu rõ hơn tình hình của nhau cũng như xác định các thách thức cần phải xử lý để giúp cho việc thực thi hiệu quả hơn nữa.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: Duy Linh) |
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, ông Valdis Dombrovski trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu tiếp tục ủng hộ phát triển quan hệ EU-Việt Nam; EU-ASEAN; thúc đẩy hợp tác thương mại, duy trì các chuỗi cung ứng giữa EU-Việt Nam, EU-ASEAN; thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt Lãnh đạo cấp cao của EU, EC thăm Việt Nam để tăng cường tin cậy chính trị, tạo đà thúc đẩy hợp tác giữa hai bên.
Đồng thời, thúc đẩy nghị viện 10 nước EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu để Hiệp định sớm có hiệu lực và được thực thi hiệu quả, bảo hộ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hai bên, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư giữa EU và Việt Nam nhằm “khai thông” dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp EU và Việt Nam, coi đây là nền tảng góp phần triển khai sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” của EU tại khu vực.
Dịp này, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ủy ban châu Âu và Cao ủy thương mại Liên minh Châu Âu tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, góp tiếng nói và hành động cụ thể nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, bảo đảm an ninh, tự do hàng hải trong khu vực; khuyến khích các doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam các dự án chất lượng cao trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo…
Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam về vốn, công nghệ, pháp luật, nhân lực; phát triển kinh tế xanh; chuyển đổi số; chuyển đổi năng lượng công bằng; ứng phó với biến đổi khí hậu; sớm gỡ bỏ Thẻ vàng trong khai thác thủy sản; khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp EU-Việt Nam trong hiện đại hóa lĩnh vực nghề cá tại Việt Nam, xây dựng chuỗi giá trị khép kín EU-Việt Nam trong lĩnh vực thủy, hải sản, xem đây là mô hình điểm tại khu vực.
"Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EU để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc, hướng đến hợp tác thuỷ sản bền vững giữa hai bên", đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovski phát biểu tại buổi tiếp. |
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cảm ơn đồng chí Trần Thanh Mẫn đã dành thời gian tiếp đoàn và nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của EU cũng như các nước thành viên của EU.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai phía, thúc đẩy các điều kiện thương mại giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thắt chặt hơn nữa các lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Ông Valdis Dombrovski nhấn mạnh, hiện nay, còn nhiều tiềm năng, lĩnh vực khác trong hợp tác thương mại và đầu tư mà giữa hai phía có thể tăng cường, như: dược phẩm, thực phẩm, ngành công nghiệp xe hơi. Điều đó giúp tăng cường khả năng tiếp cận của người tiêu dùng Việt Nam với hàng hóa của châu Âu có chất lượng.