EU đầu tư mạnh cho ngành công nghiệp bán dẫn

Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ euro nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và tự chủ trong sản xuất chip. Trong bối cảnh các nhà sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ châu Âu đối mặt nhiều khó khăn do tình trạng khan hiếm chip, quyết định này được kỳ vọng sẽ giúp EU nâng cao năng lực ứng phó cuộc khủng hoảng tiềm tàng về nguồn cung.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Dresden, Đức. (Ảnh: REUTERS)
Nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Dresden, Đức. (Ảnh: REUTERS)

Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton mới đây khẳng định, liên minh này đang có kế hoạch đầu tư hơn 100 tỷ euro phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ châu Á, cũng như tăng khả năng xuất khẩu trong tương lai. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tháng 7 vừa qua, Hội đồng châu Âu chính thức thông qua Đạo luật Chip.

Đạo luật Chip ra đời với mục tiêu huy động 43 tỷ euro đầu tư công và tư nhân cho mục tiêu tăng gấp đôi thị phần toàn cầu của EU trong lĩnh vực bán dẫn, lên ít nhất 20% vào năm 2030. Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha Hector Gomez Hernandez, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU nhấn mạnh, đạo luật vừa được thông qua sẽ giúp EU đi đầu trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu, với các nhà máy sản xuất, dự án đầu tư và nghiên cứu mới. Theo Ủy ban châu Âu (EC), nhu cầu về chip của các ngành công nghiệp tại EU dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030. Vì vậy trong dài hạn, đạo luật nêu trên cũng sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp quan trọng này của châu Âu và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu chip bán dẫn từ nước ngoài.

Giới phân tích nhận định, những bước đi quyết liệt trong thời gian qua cho thấy nỗ lực của EU nhằm khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Được coi là bộ não của các thiết bị điện tử, chip bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ, từ điện thoại thông minh đến các thiết bị gia dụng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, tình trạng thiếu hụt chip đã khiến nhiều dây chuyền sản xuất bị đình trệ, cản trở quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu. Hiện nay, khan hiếm chip bán dẫn vẫn đe dọa sự phát triển của nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo giới chuyên gia, các hãng sản xuất ô-tô và đồ điện tử của Đức, nền kinh tế đầu tàu EU, đang chịu tác động lớn khi phải trì hoãn hoạt động sản xuất do “cơn khát” chip trên toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng chưa được giải quyết.

Nỗ lực của EU phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và tự chủ trong sản xuất chip đã bước đầu thu được những tín hiệu tích cực. Mới đây, công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, công bố khoản đầu tư trị giá hàng tỷ euro để xây dựng một nhà máy tại Đức và dự kiến bắt đầu sản xuất chip cho lĩnh vực ô-tô vào cuối năm 2027. Đây sẽ là nhà máy bán dẫn đầu tiên mà TSMC đầu tư tại châu Âu và cũng là bước tiến quan trọng giúp Đức nói riêng, châu Âu nói chung, rút ngắn khoảng cách với các cường quốc trong cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Trước đó, một tên tuổi lớn khác trong ngành bán dẫn là Intel (Mỹ) cũng tuyên bố rót vốn xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Đức. Khẳng định hiện có 68 dự án công nghệ bán dẫn trên khắp EU với tổng trị giá 100 tỷ euro, Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton bày tỏ lạc quan về triển vọng sớm hoàn thành mục tiêu đưa thị phần toàn cầu của EU trong lĩnh vực bán dẫn lên 20%.

EU dự kiến phải vượt qua nhiều thách thức nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng rất chú trọng lĩnh vực này khiến môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.