Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ

NDO - “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực trung du miền núi phía bắc” là nội dung được thảo luận sâu sắc tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp diễn ra vào ngày 5/6 tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm măng lục trúc được giới thiệu tại diễn đàn.
Sản phẩm măng lục trúc được giới thiệu tại diễn đàn.

Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thu hút đông đảo sự quan tâm của của các nhà khoa học, nhà sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp tham gia thảo luận.

Báo cáo đề dẫn tại diễn đàn nhấn mạnh, khu vực trung du, miền núi phía bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, dựa trên sự phong phú về tài nguyên đất, nước, khí hậu; các chính sách hỗ trợ; người dân trong vùng ngày càng có nhiều kinh nghiệm; các địa phương trong vùng đều có định hướng phát triển một nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, vùng sản xuất hữu cơ, tuần hoàn thường không tập trung và không có giải ngăn cách đủ an toàn cho sự xâm lấn của chất hóa học từ vùng sản xuất hóa học tràn sang nguồn nước tưới: kênh ,rạch… chưa kiểm soát được chất lượng, an toàn của nước tưới.

Khu vực miền núi và phía bắc các cơ sở nuôi, trồng còn nhỏ lẻ, manh mún muốn chứng nhận sản phẩm hữu cơ bắt buộc các hộ nuôi, trồng phải liên kết sản xuất tạo vùng nguyên liệu tập trung để bảo đảm nguồn nước, môi trường xung quanh đáp ứng được các tiêu chí hữu cơ.

Trước thực trạng trên, Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp năm 2024 nhằm tìm Giải pháp về cơ chế chính sách đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Giải pháp về liên kết sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Giải pháp về nâng cao năng lực và thông tin tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ảnh 1

Đại biểu dự diễn đàn tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã được tiếp xúc và nghiên cứu 13 tham luận sâu sắc được tổng kết từ thực tiễn tại các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn quốc và kết quả triển khai một số dự án khuyến nông về sản xuất hữu cơ tại khu vực miền núi phía bắc.

Bà Dương Thị Luyện, Chủ tịch Giám đốc Hợp tác xã Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu “Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu” thì hợp tác xã đã gửi hồ sơ xin cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu”.

Hợp tác xã đã chủ động ký hợp đồng với một số đơn vị uy tín để bảo vệ thương hiệu của mình. Gần đây nhất, trong năm 2023, Hợp tác xã đã ký hợp đồng với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả ACT Bắc Ninh nhằm được cung cấp những công nghệ chống hàng giả, nhái thương hiệu “Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu”.

Sau khi đã có được các giải pháp bảo vệ thương hiệu đó thì Hợp tác xã đã tích cực tham gia các Hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; tại các siêu thị cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện nay, Hợp tác xã đang đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại với một số doanh nghiệp để xuất khẩu sản phẩm sang Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

GS,TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhấn mạnh, bài học phát triển nông nghiệp hữu cơ đối với Việt Nam đó là phải xây dựng được chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh việc phát triển thị trường, thực hiện xúc tiến thị trường thương mại trong và ngoài nước để sản phẩm có thể đến với các thị trường trên thế giới. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư nghiên cứu và đào tạo nhân cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn nữa.