Thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới

NDO - Ngày 23/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều hộ dân tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đầu tư chăn nuôi bò theo quy mô trang trại.
Nhiều hộ dân tại huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đầu tư chăn nuôi bò theo quy mô trang trại.

Năm 2022, ngành chăn nuôi trong nước tiếp tục chịu sự tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm.

Vượt qua khó khăn, ngành chăn nuôi cơ bản phát triển ổn định với đàn lợn tăng hơn 12%, đàn gia cầm tăng hơn 5%, đàn bò tăng 3,5%. Ước năm 2022, sản lượng thịt các loại đạt hơn 7 triệu tấn; sản lượng trứng đạt 18 tỷ quả; sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt hơn 1,1 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng từ 5 đến 5,5%.

Ngành chăn nuôi đang từng bước chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung. Đặc biệt, chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hữu cơ đang có xu hướng phát triển mạnh.

Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đã bổ sung nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đáng kể cho ngành, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước và góp phần nâng cao, cập nhật công nghệ, chuyển đổi phương thức chăn nuôi, nâng cao sức cạnh tranh và tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm.

Năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất tăng khoảng 4,5 đến 5% so năm 2022. Dự báo, ngành chăn nuôi tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chi phí logistic tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các nhóm giải pháp để phát triển chăn nuôi trong tình hình mới như: chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi; sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường chế biến, chế biến sâu gắn với xúc tiến thị trường thương mại; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo chuỗi khéo kín, kinh tế tuần hoàn…

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới ảnh 1

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đã thảo luận xoay quanh những giải pháp để phát triển chăn nuôi trong tình hình mới.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh vùng cao Hà Giang trong thời gian tới đó là khai thác thế mạnh chăn nuôi các con đặc sản theo chuỗi giá trị. Đối với gia súc, gia cầm khác sẽ tập trung phát triển quy mô trang trại nhằm chủ động về thực phẩm trên địa bàn. Hướng phát triển cho ngành chăn nuôi là an toàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt, với vật nuôi đặc sản sẽ xây dựng sản phẩm OCOP.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị trực thuộc bộ và các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu phát triển các giống vật nuôi năng suất chất lượng cao. Quan tâm bảo tồn, phát huy nguồn gen, giống vật nuôi bản địa, đặc trưng gắn truy suất nguồn gốc, xây dựng sản phẩm OCOP, sản xuất theo hướng hàng hóa để đưa ra thị trường.

Chủ động nghiên cứu, sản xuất thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi. Định hình lại hoạt động chế biến sản phẩm từ chăn nuôi. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, chuồng trại chăn nuôi phù hợp điều kiện và môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi theo hướng bám sát thực tiễn, phục vụ thực tiễn công nghệ.

Đối với các địa phương, cần xác định rõ quan điểm nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, giải quyết đồng bộ các khó khăn, vướng mắc. Phát huy hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp từ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại đến từng hộ chăn nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.

Tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía bắc.