Chăn nuôi nông hộ hướng đến sản xuất chuyên nghiệp

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, dịch Covid-19, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng, đầu ra sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi lao đao, thậm chí nhiều hộ phải “treo chuồng”. Trước thực tế nêu trên, để hạn chế rủi ro cần tìm hướng đi mới thích hợp cho người chăn nuôi trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Để hạn chế rủi ro cần tìm hướng đi mới thích hợp cho người chăn nuôi trong thời gian tới. (Ảnh: Thanh Trà)
Để hạn chế rủi ro cần tìm hướng đi mới thích hợp cho người chăn nuôi trong thời gian tới. (Ảnh: Thanh Trà)

Mấy năm gần đây, các hộ chăn nuôi luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử, thời điểm tháng 4/2017, do nguồn cung vượt cầu, giá lợn hơi giảm sâu, còn khoảng 25.000 đồng/kg, khiến hàng nghìn hộ dân nuôi lợn điêu đứng, chịu lỗ trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/con lợn thịt xuất chuồng. Tiếp đến là dịch tả lợn châu Phi (xuất hiện ở nước ta từ tháng 2/2019 đến nay), buộc phải tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn, nhiều hộ lâm vào cảnh “trắng tay”.

Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, sức mua giảm hẳn (thời điểm tháng 7, 8/2021, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động ...), giá gà công nghiệp lông trắng ở các tỉnh phía bắc chỉ khoảng 15 đến 20 nghìn đồng/kg; tại các tỉnh phía nam từ 6 đến 10 nghìn đồng/kg.

Thực trạng nêu trên dẫn đến việc số hộ tham gia chăn nuôi ngày càng giảm, nhất là chăn nuôi lợn. Năm 2016 cả nước có 3,4 triệu hộ nuôi lợn, thì đến nay còn khoảng hai triệu hộ. Thực tế cho thấy chăn nuôi nông hộ đã bộc lộ nhiều hạn chế: vẫn còn tình trạng nuôi theo phong trào, khi thì bỏ chuồng hàng loạt, lúc lại tái đàn ồ ạt. Do thiếu vốn, người chăn nuôi khó có thể mở rộng chuồng trại, đầu tư sản xuất và áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thiếu kiến thức về chế độ dinh dưỡng cho lợn theo từng giai đoạn cho nên năng suất đạt thấp.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chăn nuôi, xử lý chất thải chưa được chú trọng, do đó đạt hiệu quả chưa cao. Các hộ chưa quan tâm việc làm đệm lót sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường, chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác thú y, vệ sinh chuồng trại, cho nên dịch bệnh dễ phát sinh và lây lan.

Bên cạnh đó, việc các hộ hoạt động đơn lẻ dẫn đến khó tiếp cận các nguồn lực, khả năng cạnh tranh kém, sản phẩm đưa ra thị trường không đồng nhất. Sự liên kết giữa người chăn nuôi với hợp tác xã/tổ hợp tác chăn nuôi còn quá ít, việc tham gia thị trường tìm “đầu ra” cho sản phẩm còn hạn chế, khiến người chăn nuôi dễ bị thua lỗ và giảm thu nhập do phải chịu phí tổn vào các khâu “trung gian”. Nông hộ ít được đào tạo về quản lý, tổ chức sản xuất và hạch toán kinh tế nên hay gặp rủi ro khi phải bỏ ra số tiền lớn đầu tư vào chăn nuôi (chi phí đất, xây dựng cơ bản, con giống, thức ăn, thuốc thú y…).

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ những khó khăn cho hộ chăn nuôi, tới đây cơ quan quản lý nhà nước nên tiếp tục có chính sách mới hỗ trợ các hộ chăn nuôi bởi ngoài vấn đề phát triển kinh tế, đây còn là quyết định mang tính nhân văn, hướng tới đối tượng yếu thế nhất, thiệt thòi nhất trong ngành chăn nuôi hiện nay.

Theo các chuyên gia, để tháo gỡ những khó khăn cho hộ chăn nuôi, tới đây cơ quan quản lý nhà nước nên tiếp tục có chính sách mới hỗ trợ các hộ chăn nuôi bởi ngoài vấn đề phát triển kinh tế, đây còn là quyết định mang tính nhân văn, hướng tới đối tượng yếu thế nhất, thiệt thòi nhất trong ngành chăn nuôi hiện nay.

Thí dụ cụ thể, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, đã tác động tích cực đến phát triển chăn nuôi trên địa bàn cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp ổn định sinh kế cho người dân; nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, tăng thu nhập của các hộ chăn nuôi từ 5 đến 10%.

Năm 2016, thông qua hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội và UBND huyện Phúc Thọ, gia đình ông Nguyễn Hưng Thỉnh, ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ và một số hộ dân khác quyết định chuyển sang nuôi lợn nái và lợn thịt theo mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học cho người dân địa phương và nhiều đại lý, bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố. Từ đó đến nay, đầu ra sản phẩm khá ổn định, kinh tế ngày càng khấm khá và được đánh giá là mô hình chăn nuôi có tiềm năng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch.

Thông tin thêm về vấn đề này, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho rằng, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn mới nên có sự thay đổi theo hướng phân vùng, tùy vào đặc trưng của mỗi địa phương mà có chương trình hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, cần gắn kết các hộ chăn nuôi vào chuỗi sản xuất với vai trò trung tâm là các hợp tác xã/tổ hợp tác. Khi đó, hợp tác xã sẽ đứng ra liên kết với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; giúp các hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, khi hình thành tổ sản xuất có thể giải được “bài toán” về vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các địa phương cần tiếp tục ưu tiên, quan tâm hỗ trợ nông hộ chăn nuôi, hướng đến sản xuất chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có lợi thế về cạnh tranh; bảo đảm điều kiện về chuồng trại; xây dựng hầm biogas, đệm lót sinh học, để giảm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, nông hộ cần quan tâm yếu tố kỹ thuật trong chăn nuôi, tuân thủ theo quy trình; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới để đạt năng suất cao hơn.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian tới, chăn nuôi nông hộ vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mưu sinh của nông dân. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, cần quan tâm chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.