Thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính

Theo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong năm 2022 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đã giảm xuống mức 41,4% (giảm 3,5% so mức 44,9% của năm 2020).
0:00 / 0:00
0:00
Bốc dỡ hàng hóa tại Tân Cảng - Cần Thơ.
Bốc dỡ hàng hóa tại Tân Cảng - Cần Thơ.

Dù tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn còn gần 60% số doanh nghiệp cho biết, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp còn phổ biến. Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, muốn xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn thì vấn đề liêm chính trong kinh doanh cần được đẩy mạnh.

Bởi kinh doanh liêm chính đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, là “hộ chiếu xanh” để doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thực hành kinh doanh liêm chính phải được xem là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện, doanh nghiệp có thể phải từ bỏ cơ hội kinh doanh.

Việc thực hành kinh doanh liêm chính phải được xem là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp.

Có thể nói, khái niệm liêm chính trong kinh doanh chính là việc các doanh nghiệp buộc tuân thủ những quy định của pháp luật bằng thông lệ kinh doanh tốt và bền vững mà không cần giám sát của cơ quan nhà nước.

Nó cũng được xem là nền tảng tương tác giữa các doanh nghiệp với nhau và là “giấy phép thông hành” tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư chân chính, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Chỉ khi kiến tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, phi tham nhũng thì mới huy động và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của khối doanh nghiệp tư nhân, tránh thất thoát lãng phí. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể đặt niềm tin và tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư dài hạn, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Điều này càng quan trọng khi Việt Nam đã tham gia vào một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP, RCEP,… Các FTA này đều đề cao và chú trọng kinh doanh liêm chính, phát triển bền vững và có hẳn một chương đề cập đến vấn đề này với nhiều nội dung.

Vì vậy, để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng doanh nghiệp sẽ có ý nghĩa quyết định giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực; tạo ra những tác động mang tính lan tỏa cao hơn, thúc đẩy nhanh hơn những thay đổi hệ thống.

Kinh doanh liêm chính sẽ không thể trở thành một phần tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp nếu nó không nằm trong tư duy và quyết tâm hành động của ban lãnh đạo ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, kinh doanh liêm chính sẽ không thể trở thành một phần tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp nếu nó không nằm trong tư duy và quyết tâm hành động của ban lãnh đạo ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp. Liêm chính trong kinh doanh cũng đòi hỏi tiếp cận một cách toàn diện, từ đó tạo ra liều “vắc-xin tự thân” bảo vệ chính doanh nghiệp trước những rủi ro khi kinh doanh trong bối cảnh nhiều khủng hoảng và thách thức hiện nay.

Để đi nhanh, các doanh nghiệp có thể đi một mình, nhưng để đi xa, phải đi cùng nhau, chung tay hành động xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp buộc phải thực hiện điều này vì tương lai và sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp cũng như tạo dựng hình ảnh ấn tượng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam uy tín, minh bạch, chuyên nghiệp trong mắt bạn bè quốc tế,...