Những năm qua, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả, tạo sức cộng hưởng, niềm tin giữa doanh nghiệp và cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, sau hai năm đại dịch Covid-19, việc xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp đứng trước những yêu cầu mới.
Với 29 bài tham luận cùng nhiều ý kiến, các đại biểu đã tập trung đánh giá vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; hiệu quả của văn hóa doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế, phát triển sản xuất khi đất nước chuyển sang giai đoạn bình thường mới; những bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; giải pháp xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh đó là một số đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trao đổi về tính thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch gắn liền với đổi mới và sáng tạo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng - Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Tính thích ứng và linh hoạt là một đặc trưng của văn hóa Việt Nam truyền thống. Trong lao động, sản xuất, người Việt Nam rất linh hoạt và thích nghi nhanh chóng, vượt qua khó khăn, sáng tạo nên những giá trị mới. Hai năm 2020-2021, khi đại dịch diễn biến phức tạp, kế thừa và phát huy văn hóa dân tộc truyền thống, các doanh nghiệp tiếp tục khẳng định bản sắc văn hóa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng tìm ra những cơ hội mới từ thực tiễn, hành động mạnh mẽ để phục hồi.
Một số doanh nghiệp chuyển đổi rất nhanh mục tiêu kinh doanh sản xuất. Doanh nghiệp may mặc chuyển sang may khẩu trang cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Một số hãng xe vận tải vừa và nhỏ nhanh chóng chuyển sang vận chuyển nhu yếu phẩm, cứu trợ nhân dân vùng dịch. Các hình thức bán hàng trực tuyến phát triển phổ biến, nhiều ngành nghề kinh doanh mới xuất hiện kích cầu và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ở góc nhìn về sức mạnh văn hóa doanh nghiệp, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp. Để văn hóa doanh nghiệp thể hiện tốt hơn sức mạnh, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là chủ doanh nghiệp về tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp… từ đó lan toả những chương trình về văn hóa doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch qua việc hoàn thiện thể chế, pháp luật…
Tại hội thảo, các ý kiến đã góp phần nhận diện rõ hơn thực trạng cũng như hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tổng kết những kinh nghiệm về mô hình, cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững, từ đó đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.