Thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính

Mức độ tham nhũng thấp và mức độ minh bạch được nâng cao là hai yếu tố quan trọng để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng. Phó Chủ tịch điều hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh tự tin, giờ đây doanh nghiệp đã có công cụ để đưa bộ tiêu chí về liêm chính trong kinh doanh vào hoạt động của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch điều hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ở giữa) nhấn mạnh, để xây dựng văn hóa liêm chính, cần sự cam kết của người đứng đầu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch điều hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (ở giữa) nhấn mạnh, để xây dựng văn hóa liêm chính, cần sự cam kết của người đứng đầu doanh nghiệp.

Phóng viên: Trong bối cảnh thế giới đối diện với những cuộc khủng hoảng toàn cầu bởi biến đổi khí hậu, sự bất ổn về chính trị, dịch bệnh, ngày càng nhiều quốc gia chú trọng đến phát triển bền vững. Điều này tác động như thế nào đến doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Đúng là phát triển bền vững đang trở nên ngày càng bức thiết hơn đối với tất cả các quốc gia, các nền kinh tế từ Đông sang Tây bán cầu. Do vậy, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính bảo đảm quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào. Điều này được phản ánh trong việc các chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích các doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ. Một thí dụ về xu hướng này là Chỉ thị thẩm định tính bền vững doanh nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), cũng như các luật liên quan của EU và các thành viên EU. Việc công khai thông tin ngoài việc mang tính chất quan trọng, cần phải được tin tưởng là chính xác và công bằng.

Trở lại với Việt Nam, các hiệp định thương mại đã được tham gia ký kết đều đặt ra những điều khoản liên quan thực hành sản xuất, kinh doanh bền vững cho các doanh nghiệp muốn thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã xây dựng riêng Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững. Như vậy, phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Một sự thật không thể phủ nhận, trong bối cảnh khủng hoảng, khách hàng, người tiêu dùng và các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những doanh nghiệp mà họ biết rõ và đặt lòng tin - những điều vốn chỉ có được khi doanh nghiệp kinh doanh từ cái tâm, với sự minh bạch và liêm chính.

Phóng viên: Thưa ông, tại sao chống tham nhũng lại trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Tham nhũng là một vấn đề toàn cầu không riêng gì Việt Nam bởi nó gây tác động tiêu cực tới toàn xã hội. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mỗi năm mức chi cho tham nhũng tương đương với 5% GDP toàn cầu, khoảng 2,6 nghìn tỷ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng mức chi cho hối lộ là 1 nghìn tỷ USD. Đây là những con số quá lớn. Tham nhũng làm tăng chi phí doanh nghiệp và tạo ra sự bất ổn cho các công ty. Tham nhũng dẫn đến việc sử dụng ngân sách công kém hiệu quả với lý do là ngân sách đầu tư thường không đến được những lĩnh vực đang cần đầu tư hoặc không được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Mấy năm gần đây, nhiều trường hợp vi phạm đạo đức kinh doanh, thậm chí có những trường hợp hối lộ đã bị điều tra và khởi tố càng cho thấy tính cấp bách của việc thúc đẩy văn hóa kinh doanh liêm chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc chống tham nhũng đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bên bao gồm Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và toàn xã hội. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều động thái về chống tham nhũng hết sức tích cực cũng như thể hiện rõ sự quyết tâm của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ “Liêm chính” thông qua tăng cường sự minh bạch và huy động các chủ thể trong nền kinh tế cùng hành động.

Một sự thật không thể phủ nhận, trong bối cảnh khủng hoảng, khách hàng, người tiêu dùng và các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những doanh nghiệp mà họ biết rõ và đặt lòng tin - những điều vốn chỉ có được khi doanh nghiệp kinh doanh từ cái tâm, với sự minh bạch và liêm chính.

(Ông Nguyễn Quang Vinh)

Việt Nam là một trong số ít quốc gia thăng hạng trong Chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, tăng 26 bậc trên toàn cầu (từ 113 năm 2017 lên 87 năm 2021). Theo Chỉ số pháp quyền của Dự án Tư pháp thế giới, Việt Nam là một ngoại lệ trong số các nước ASEAN khi tăng thứ hạng lên vị trí 88.

Phóng viên: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Để giúp họ thực thi kinh doanh liêm chính với vai trò, vị trí của mình VCCI đã có những hỗ trợ nào thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Đúng là đối tượng doanh nghiệp này rất dễ bị tổn thương bởi tham nhũng và không giống như các doanh nghiệp lớn, họ phải đối mặt những thách thức chẳng hạn như thiếu kinh nghiệm hay kiến thức về cách thức nói “không” với tham nhũng; thiếu nguồn lực tài chính để tuyển dụng luật sư, cán bộ tuân thủ phụ trách vào làm việc trong công ty. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chấp nhận “sống chung với tham nhũng”, do không tin rằng họ có thể chiến thắng trong việc ứng phó tệ nạn này.

Thực tế mà nói, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện và tích cực trong nhiều năm trở lại đây. Thời gian vừa qua, các hiệp hội doanh nghiệp đã sát cánh và đồng hành cùng VCCI trong nhiều hoạt động góp ý và phản biện chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực cho các hiệp hội, hỗ trợ và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới, có trách nhiệm nhằm triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Một trong các dấu ấn phối hợp chặt chẽ với VCCI được ghi nhận là sự tham gia tích cực của một số hiệp hội doanh nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào cuộc vận động quy mô nhỏ do VCCI khởi xướng nhằm kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp ký bản “Cam kết kinh doanh liêm chính”. Bên cạnh những hoạt động tập huấn, truyền thông về các chính sách pháp luật liên quan, VCCI cùng các đối tác tập trung vào nghiên cứu, giới thiệu các bộ công cụ hướng dẫn cho doanh nghiệp làm kinh doanh liêm chính. Năm 2015, chúng tôi đã biên tập, địa phương hóa Bộ công cụ “Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng” - đang được triển khai thành công ở nhiều nước G20.

Phóng viên: Áp dụng Chỉ số kinh doanh liêm chính (VBII) vừa được chính thức công bố, có đủ sức bảo vệ và giúp doanh nghiệp theo đuổi kinh doanh liêm chính, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Đây là chỉ số do VCCI phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện và giới thiệu vào cuối tháng 9 vừa qua. Chỉ số VBII giúp doanh nghiệp Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn kinh doanh minh bạch, liêm chính của quốc tế; cũng như giúp doanh nghiệp không còn mơ hồ, lúng túng trong việc lồng ghép tính liêm chính vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Điều thú vị, bộ công cụ này dành cho mọi doanh nghiệp, ở mọi quy mô, hình thức sở hữu, hoạt động trong mọi lĩnh vực. VBII sẽ giúp doanh nghiệp có thể tự đánh giá, đo lường về tính liêm chính, minh bạch trong kinh doanh và công bố thông tin.

Trước đó, VCCI đã xây dựng thành công và giới thiệu Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) đến cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2016, hướng dẫn các doanh nghiệp tự đánh giá “sức khỏe” của mình trên các phương diện quản trị-kinh tế-xã hội-môi trường, từ đó thực hành quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Vậy nên, VBII và CSI là sự kết hợp hoàn hảo cho doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh bền vững, tạo ra “chiếc áo giáp” bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro khi kinh doanh trong bối cảnh nhiều khủng hoảng và thách thức hiện nay. Chúng tôi khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp hãy tích cực nghiên cứu và áp dụng VBII, CSI ngay bây giờ, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó xây dựng nền móng phát triển vững chắc cho chính doanh nghiệp.

VBII và CSI là sự kết hợp hoàn hảo cho doanh nghiệp trên hành trình kinh doanh bền vững, tạo ra “chiếc áo giáp” bảo vệ doanh nghiệp trước những rủi ro khi kinh doanh trong bối cảnh nhiều khủng hoảng và thách thức hiện nay.

(Ông Nguyễn Quang Vinh)

Kinh doanh liêm chính sẽ không thể trở thành một phần tất yếu trong văn hóa doanh nghiệp nếu nó không nằm trong tư duy và quyết tâm hành động của Ban lãnh đạo ở cấp cao nhất trong doanh nghiệp. Đó cũng là lý do khi xây dựng VBII, chúng tôi đưa chỉ số Văn hóa là chỉ số thành phần đầu tiên trong bộ công cụ. Trong chỉ số Văn hóa, “cam kết từ lãnh đạo cao cấp” là yếu tố đầu tiên được nhắc đến.

Chúng tôi khuyến nghị Ban lãnh đạo ở mọi doanh nghiệp hãy thay đổi tư duy, nhận thức, đưa liêm chính và minh bạch vào DNA của doanh nghiệp. Chỉ khi xây dựng được văn hóa kinh doanh liêm chính, chúng ta mới đi đến các bước tiếp theo như xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, triển khai hoạt động Kiểm soát, Truyền thông, Tuân thủ - cũng là những chỉ số tiếp theo trong Bộ công cụ VBII.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!