Thúc đẩy liên kết trong sản xuất rau quả

NDO -

Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi, phong phú về chủng loại nên sản xuất rau quả trên địa bàn cả nước thời gian qua đã và đang mang lại hiệu quả cao. Tại nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất tập trung đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Người dân huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc rau vụ đông.
Người dân huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc rau vụ đông.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 996.500 ha rau các loại với sản lượng khoảng 17,6 triệu tấn/năm. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là hai vựa rau và hành tỏi lớn nhất cả nước (chiếm hơn 50% diện tích và 53% sản lượng rau cả nước). Ngoài ra, đậu các loại được trồng chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên chiếm 33% diện tích và 27% sản lượng cả nước.

Hiện nay, ở nhiều địa phương đã hình hành những vùng sản xuất rau tập trung áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và tổ chức sản xuất, sơ chế kinh doanh tiêu thụ rau an toàn khá thành công. Cùng với đó, nhiều vùng rau an toàn đã được phát triển đem lại thu nhập cho người sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, An Giang, Lâm Đồng... Hơn nữa, phương thức sản xuất rau theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được mở rộng như: sản xuất trong nhà lưới, nhà kính bảo đảm an toàn thực phẩm.

Qua thống kê, hiện nay cả nước hiện có khoảng 145 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 800.000 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cơ sở chế biến quy mô nhỏ. Thị trường tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 80% sản lượng, khoảng 9,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 3,75 tỷ USD/năm. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có mặt ở gần 60 thị trường trên thế giới.

Cũng theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có khoảng 2.000 hợp tác xã tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm rau quả. Nhiều hợp tác xã được hình thành và phát triển trong thời gian gần đây đang sản xuất và kinh doanh khá thành công, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình thành viên. Các hợp tác xã này đảm nhận cung cấp các dịch vụ sản xuất ở đầu vào và đầu ra cho hộ thành viên như: cung cấp vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm. hợp tác xã cũng là cầu nối giữa doanh nghiệp với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm.

Điển hình như Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên, huyện Mộc Châu (Sơn La) tổ chức sản xuất rau theo chuỗi khép kín. Với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mỗi năm khoảng 800 đến 1.000 tấn rau các loại. Giá bán sản phẩm luôn cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với rau sản xuất thông thường; bình quân mỗi ha thu lãi khoảng 400 đến 500 triệu đồng.

Thúc đẩy liên kết trong sản xuất rau quả -0

Tuy nhiên, việc sản xuất rau quả trên địa bàn cả nước còn những tồn tại do năng suất, chất lượng sản phẩm thấp và việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế. Sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu vẫn canh tác theo quy trình kỹ thuật truyền thống; quản lý sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất rau quả tập trung chưa được quan tâm đầu tư nên chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển của sản xuất. Việc liên kết sản xuất tiêu thụ đã được hình thành ở nhiều nơi nhưng nhìn chung còn ít; chuỗi giá trị còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái nên chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận cho người nông dân trực tiếp sản xuất. Hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao (25 đến 30%); công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm được đầu tư cải thiện.

Ngoài ra, khâu chế biến hiện nay chỉ mới sử dụng 8 đến 10% sản lượng rau quả sản xuất ra hằng năm. Rau quả xuất khẩu đã qua chế biến, tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế chiếm tới 85%. Mặt khác, số lượng hợp tác xã trong ngành hàng rau quả còn ít so với tổng diện tích sản xuất hiện nay; việc tổ chức liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nhà máy chế biến còn yếu; sự hợp tác liên kết giữa các tổ chức kinh tế hợp tác, nông dân và doanh nghiệp chưa nhiều, kém bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.

Nhằm phát triển bền vững ngành rau quả, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần đẩy mạnh việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau quả giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất rau quả trong việc áp dụng giống mới, giống rải vụ, ứng dụng công nghệ cao tưới tiết kiệm, nhà màng, nhà lưới; đẩy mạnh sản xuất theo quy trình thực hành tốt VietGAP hoặc GlobalGAP... gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các hợp tác xã sơ chế, đóng gói và sử dụng kho mát bảo quản rau quả tươi với trang thiết bị phù hợp tại các vùng sản xuất rau quả tập trung.

Cùng với đó cần tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản rau quả, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hợp tác xã; xây dựng nhãn mác, nhãn hiệu, thương hiệu rau quả cho các hợp tác xã thông qua việc bảo đảm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước; hỗ trợ các hợp tác xã, người dân bán sản phẩm ở các sàn giao dịch thương mại điện tử, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã sản xuất rau quả tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế…

Theo định hướng phát triển ngành rau quả trong chiến lược cơ cấu lại ngành nông nghiệp 2021-2025 tăng diện tích gieo trồng rau lên khoảng 1,1 triệu ha, sản lượng 21 triệu tấn/năm. Đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất rau tập trung, các loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả áp dụng công nghệ cao và thực hành nông nghiệp tốt bảo đảm đủ nguyên liệu có chất lượng và an toàn thực phẩm cho cơ sở chế biến.

Còn trong Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 sẽ đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân hơn 10%/năm; xây dựng, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau quả bảo đảm nguyên liệu được cung cấp (khoảng từ 5 đến 6 triệu tấn vào năm 2030) có chất lượng, an toàn thực phẩm cho hoạt động chế biến.