Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên

NDO - Nhiều hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ mang tính thời điểm, các tổ chức hỗ trợ ngày càng nhiều nhưng chất lượng không tương xứng, mạng lưới hỗ trợ đơn lẻ và rời rạc, nhiều địa phương chưa kết nối được dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư… là những bất cập trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Ngày 4/12, tại đầu cầu Hà Nội, trong khuôn khổ Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo” toàn quốc năm 2022, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “Thanh niên Việt Nam tiên phong, sáng tạo góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, với 67 điểm cầu trải đều khắp cả nước.

Tại Tọa đàm, các đại biểu là những chuyên gia đầu ngành, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu với công trình, giải pháp cụ thể, từng giành giải cao tại các cuộc thi về đổi mới sáng tạo, đã đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn nhằm phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh nền kinh tế số, kinh tế tri thức.

Còn nhiều bất cập

Theo các đại biểu dự Tọa đàm, khởi nghiệp sáng tạo là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh.

Các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không giống công ty thương mại, sản xuất truyền thống vì yếu tố nghiên cứu công nghệ, sáng tạo thường ở mức cao. Vì vậy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với nhiều rủi ro, nhưng nếu vượt khó thành công lại mang tới những giá trị kinh tế rất lớn.

PGS, TS Đỗ Anh Đức và ThS Vũ Trí Tuấn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nhìn chung, các hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã được các cấp bộ Đoàn triển khai hiệu quả, thiết thực và đồng bộ, tuy nhiên vẫn có những tồn tại, hạn chế đáng lưu ý.

Điển hình là việc đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thanh niên còn rời rạc, chưa đáp ứng nhu cầu. Các chương trình đào tạo ngắn hạn chủ yếu dừng lại ở mức độ “tập huấn”, chưa bài bản, chuyên sâu, thường xuyên, chưa phân định rõ ràng giữa 2 đối tượng là đoàn viên, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp và cán bộ Đoàn, Hội phụ trách hỗ trợ.

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ, ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ phía tổ chức Đoàn, Hội thường khó đáp ứng, bởi mỗi thanh niên lại có yêu cầu về 1 lĩnh vực khác nhau, trong khi kiến thức của cán bộ Đoàn, Hội không thể “phủ sóng” toàn bộ.

Ngược lại, các đơn vị ươm tạo tư nhân thường chỉ quan tâm đến một vài lĩnh vực cụ thể, thậm chí thời gian gần đây có nhiều tổ chức đặt tên giống các quỹ Nhà nước để tiến hành tư vấn, ký hợp tác với các địa phương khiến thông tin về hỗ trợ khởi nghiệp trở nên thiếu chính xác.

Từng bước khắc phục

Đáng chú ý, có ý kiến tại Tọa đàm còn nhận định: đa số các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn diễn ra một cách tự phát, chưa có hệ thống, thiếu kết nối. Nhiều hoạt động, sự kiện chỉ mang tính chất thời điểm. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “mọc lên” ngày càng nhiều, nhưng chất lượng lại không tương xứng.

 Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên ảnh 1

Các đại biểu trao đổi, thảo luận về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Hoàng Anh Đức (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel) cho rằng, thực tế đoàn viên, thanh niên đã rất tích cực, chủ động sáng tạo, đưa công nghệ, nội dung số vào quá trình công tác, học tập, nghiên cứu, sản xuất, tổ chức hoạt động, phong trào. Thế nhưng, trên quy mô cả nước, việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn còn chậm, chưa đồng bộ.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ giữa các vùng miền, tỉnh thành, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, còn do một bộ phận đoàn viên, thanh niên có tư duy ngại thay đổi, tìm tòi, học hỏi và ứng dụng công nghệ; chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, khó để thể hiện vai trò, năng lực bản thân.

Do đó, đại biểu Hoàng Anh Đức và một số đại biểu khác đề nghị Trung ương Đoàn làm đầu mối để chủ trì, chỉ đạo và định hướng thực hiện chuyển đổi số trên phạm vi cả nước thông qua các giải pháp xây dựng đề án có lộ trình cụ thể, có đơn vị làm điểm theo cụm Đoàn.

Sau khi thí điểm triển khai như nêu trên, sẽ tùy theo hiệu quả thực tiễn để nhân rộng và lan tỏa một cách phù hợp. Muốn làm được như vậy, mỗi cơ sở Đoàn cần chủ động xây dựng chương trình hành động, xung kích chuyển đổi số phù hợp điều kiện thực tế, với trọng tâm là hiệu quả được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh kết nối các cán bộ Đoàn, Hội làm công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với mạng lưới các trường đại học, học viện, cao đẳng cũng như trung cấp trong nước, quốc tế để nâng cao cơ hội tiếp thu tri thức mới về khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.

Quan trọng hơn cả, cần đẩy mạnh đào tạo, tư vấn, hỗ trợ theo hướng trang bị nhận thức đúng đắn cho thanh niên trước khi khởi nghiệp, nhất là về tri thức, kỹ năng vượt qua tâm lý thất bại. Hơn thế nữa, cần chú trọng tư vấn về bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tiếp cận thông tin; cập nhật kỹ năng quản trị, điều hành; liên kết kinh doanh, chuỗi sản xuất; xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm.