Thúc đẩy Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động - việc làm hướng tới việc làm bền vững

NDO -

Ngày 21/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Thư ký ASEAN, Quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc tổ chức hội thảo khu vực về đánh giá thực hiện Hướng dẫn ASSEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững.

Đại diện Việt Nam dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội (Ảnh: Molisa).
Đại diện Việt Nam dự hội thảo tại đầu cầu Hà Nội (Ảnh: Molisa).

Diễn ra theo hình thức trực tuyến, sự kiện nhằm chia sẻ về những thành tựu và thách thức trong quá trình áp dụng thí điểm Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người tại các nước thành viên ASEAN. Từ đó, chương trình đưa ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị để thúc đẩy và cải thiện việc thực hiện Hướng dẫn này ở cấp quốc gia trong thời gian tới.

Hướng dẫn ASEAN về lồng ghép giới trong chính sách lao động và việc làm hướng tới việc làm bền vững là kết quả của dự án do Việt Nam điều phối thuộc Kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016-2020 với sự hỗ trợ từ Quỹ hợp tác ASEAN - Hàn Quốc. Thông qua một số cuộc họp Nhóm công tác khu vực xây dựng Hướng dẫn với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN, ILO, UN Women và tham vấn khu vực từ năm 2018, bản Hướng dẫn và cẩm nang thực hiện Hướng dẫn đã được xây dựng hoàn thiện. Đây cũng là một trong những các văn kiện được chính thức thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 26 và được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 ghi nhận vào tháng 11 năm 2020.

Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của Ban Thư ký ASEAN, đầu mối phụ trách hợp tác về lao động và phụ nữ của các nước thành viên ASEAN, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật và tài chính mà Quỹ Hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, ILO, UN Women vì những cam kết đồng hành cùng Việt Nam và ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, cụ thể trong lĩnh vực lao động ở cấp quốc gia và khu vực.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế khẳng định, Hướng dẫn sẽ góp phần nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ nhà nước phụ trách lĩnh vực lao động và bình đẳng giới.

Ông cũng chia sẻ, Hướng dẫn giúp thúc đẩy các điển hình tốt về lồng ghép giới trong quá trình thực hiện các chính sách lao động và việc làm tại các nước thành viên ASEAN, hướng tới một Cộng đồng ASEAN không ai bị bỏ lại phía sau. Văn kiện này được xem là thí dụ điển hình thể hiện những nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN trong việc góp phần thực hiện Khung chiến lược ASEAN về lồng ghép giới giai đoạn 2021-2025 đã được Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) thông qua trong năm 2021.

Tại hội thảo, đại diện Ban Thư ký ASEAN đã giới thiệu tổng quan về nội dung và quá trình triển khai Hướng dẫn tại cấp khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, đại diện của từng nước thành viên ASEAN cũng đã trình bày về những khó khăn và thách thức trong quá trình áp dụng thí điểm Hướng dẫn ASEAN ở cấp quốc gia. Từ đó, các đại biểu đã nghiên cứu và thảo luận sâu hơn về những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị để thúc đẩy và cải thiện việc thực hiện Hướng dẫn này ở cấp quốc gia và khu vực trong thời gian tới.

Hướng dẫn sẽ được Hội nghị quan chức lao động cấp cao ASEAN rà soát và cập nhật thông tin 2 năm một lần.

Tại Việt Nam, sau 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nổi bật như:
- Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
- Việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội như Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Bộ luật Lao động (2019); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (2015); Luật Ngân sách nhà nước (2015),...
- Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay) và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp.
- Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn.
- Về giáo dục, tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối.
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)