Với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc mang đậm nét văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, sự kiện này có sự tham gia của các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Gia Lai.
Trong khuôn khổ Tuần lễ văn hóa sẽ diễn ra các hoạt động như: Trình diễn cồng chiêng, hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP.
Ngoài ra, trong khuôn khổ tuần lễ, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, bao gồm: Tuần lễ Hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); giải chạy bộ “Gia Lai city trail 2023-Giấc mơ đại ngàn”.
Đây là dịp để tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên giới thiệu, quảng bá các giá trị nổi bật, đặc sắc hấp dẫn về văn hóa và tài nguyên du lịch; cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư vào Gia Lai và khu vực Tây Nguyên.
Gặp gỡ, đối thoại với phụ nữ Kon Tum
Tỉnh Kon Tum vừa tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với phụ nữ năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, dưới hình thức trực tiếp tại điểm cầu thành phố Kon Tum và trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố của tỉnh.
Chương trình là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thông qua đối thoại, lãnh đạo tỉnh lắng nghe những nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên, phụ nữ và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện công tác phát triển phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Đắk Nông nhanh, bền vững
Khai trương ứng dụng DAKNONG-C. (Ảnh NGUYỄN VĂN YÊN) |
Sau 2 năm triển khai chuyển đổi số, đến nay tất cả 71 xã, phường, thị trấn của Đắk Nông được kết nối cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động theo công nghệ 4G đạt 99%.
Tỉnh đã triển khai thử nghiệm mạng di động 5G (của Viettel) trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa. Có 585 trong số 624 thôn, buôn, tổ dân phố được kết nối băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 93,8%; tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cố định chiếm 59,52%; số thuê bao băng rộng cố định/100 dân chiếm 15,84%.
Toàn tỉnh có 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn với hơn 4.000 thành viên; 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện có chuyên trách hoặc giao phụ trách; 80% cơ quan cấp xã giao thực hiện kiêm nhiệm về chuyển đổi số, an toàn thông tin. Đắk Nông cũng đã khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Ứng dụng DAKNONG-C dành cho người dân và doanh nghiệp giao tiếp chính thức với cơ quan chính quyền trên môi trường số, với hơn 13.000 lượt cài đặt. Hiện Đắk Nông là một trong 40 địa phương được kết nối dữ liệu về Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Khoa học-công nghệ đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có hơn 66,1 nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 13 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 31 hợp tác xã, 59 trang trại, 154 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng, 5 doanh nghiệp sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ và 15 doanh nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ IoT.
Trong sản xuất trồng trọt, có hơn 430 ha ứng dụng công nghệ thông minh trên cây rau, hoa, dâu tây và chè; giúp tăng lợi nhuận từ 15 đến 20% so với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đánh giá, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.