Thúc đẩy động lực phát triển từ các “đầu tàu” kinh tế

Nền kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm tăng trưởng vượt dự báo nhờ sự phục hồi tích cực của khu vực sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, trong số các địa phương tăng trưởng ở tốp đầu, đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng chung của cả nước lại thiếu vắng các đầu tàu kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Xếp theo thứ tự từ cao đến thấp, có bảy địa phương đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở mức hai con số, gồm: Bắc Giang, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng, Trà Vinh, Hải Dương. Như vậy trong tốp 7 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước chỉ có duy nhất một thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng.

Đáng lưu ý, những tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất trong sáu tháng đầu năm đều có đóng góp lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong khi đó, các địa phương vốn là “đầu tàu” kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đều tăng trưởng dưới tiềm năng, thấp hơn hoặc bằng mức tăng trưởng chung của cả nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến các đầu tàu kinh tế đang giảm tốc. Tại Đà Nẵng, hoạt động du lịch bị tác động rất lớn từ tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến luồng khách và làm sụt giảm chi tiêu của khách du lịch quốc tế; doanh nghiệp du lịch vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn tái đầu tư, tiền thuê đất… để thực hiện nâng cấp sản phẩm du lịch cũng như đầu tư những sản phẩm du lịch mới; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó vì đơn hàng sụt giảm…

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng đầu tư toàn xã hội tăng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp giảm biên độ lợi nhuận và dự báo thời gian tới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khó khăn của tình hình thế giới, nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm; giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, thị trường bất động sản có phục hồi nhưng chưa đủ mạnh để góp phần vào tăng trưởng của ngành dịch vụ; nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19…

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khởi sắc ở nhiều ngành, lĩnh vực, tăng trưởng của các địa phương đang có sự bứt tốc thì việc tăng trưởng chậm lại của các đầu tàu kinh tế là hiện tượng cần hết sức lưu tâm để có giải pháp hữu hiệu, đưa các địa phương này trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khởi sắc ở nhiều ngành, lĩnh vực, tăng trưởng của các địa phương đang có sự bứt tốc thì việc tăng trưởng chậm lại của các đầu tàu kinh tế là hiện tượng cần hết sức lưu tâm để có giải pháp hữu hiệu, đưa các địa phương này trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.

Để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra, ngoài tăng tổng cầu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực đẩy từ các đầu tàu rất cần thiết để cả đoàn tàu kinh tế tăng tốc bứt phá về đích.

Trong giải pháp điều hành cuối năm, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn cả nước và tăng tính lan tỏa với các vùng và cả nước.