Thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cộng đồng

Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định) đang được đẩy mạnh nhằm phục vụ nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu xã hội. Đáng chú ý, những năm gần đây, trường đã đạt được những tiến bộ đáng kể cả về số lượng cũng như chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Quy Nhơn nghiên cứu khoa học.
Sinh viên Trường đại học Quy Nhơn nghiên cứu khoa học.

Trong những năm qua, Trường đại học Quy Nhơn có sứ mệnh quan trọng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường cũng là nơi bồi dưỡng nhân tài, thực hiện nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ. Tất cả những hoạt động này đều hướng tới việc phục vụ hiệu quả cho sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là đối với khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên.

Hiện, trường đang triển khai thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Sản xuất các gonadotropin chuỗi đơn để điều trị sinh sản” do Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ và ba đề tài cấp quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó hai đề tài thực hiện từ năm 2021 gồm “Nghiên cứu võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay” và “Nghiên cứu công nghệ xử lý dư lượng kháng sinh, hóa chất diệt giáp xác có trong nước nuôi tôm thâm canh ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bằng tổ hợp vật liệu hấp phụ, xúc tác quang và kỹ thuật sinh học kiểu tầng chuyển động (MBBR)”...

Đáng chú ý là đề tài của Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Mộng Điệp đã tổng hợp thành công Gonadotrapin tái tổ hợp chuỗi đơn có hoạt động sinh học như hormone kích thích trưởng thành của nang trứng, dùng để điều trị vô sinh ở người. Tuy vậy, khuôn khổ của dự án này đang ở mức độ siêu lọc hoặc đồng bộ hóa cho vật nuôi.

Nghiên cứu khoa học cơ bản là thế mạnh của trường khi số lượng đề tài thực hiện trong lĩnh vực này ngày càng tăng. Nhiều giảng viên của trường đã chủ nhiệm các chương trình, đề tài cấp nhà nước, cấp quốc gia thuộc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted). Hiện, trường đang triển khai thực hiện ba đề tài, trong đó có đề tài “Nghiên cứu chế tạo các hệ vật liệu điện sắc đơn lớp phân tử định hướng ứng dụng trong thiết bị thông minh”, thuộc danh mục hợp tác song phương NAFOSTED-FWO giữa Việt Nam và Bỉ được Quỹ NAFOSTED tài trợ thực hiện từ năm 2023.

Ngoài ra còn có bốn đề tài đã được phê duyệt và đang tiến hành thủ tục hợp đồng triển khai. Ở cấp Bộ, trường đang triển khai đúng tiến độ chín đề tài; một chương trình (bao gồm bảy đề tài và một nhiệm vụ khoa học công nghệ) được phê duyệt thực hiện từ năm 2022; năm đề tài năm 2023 và đang triển khai thực hiện bốn đề tài năm 2024. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt tuyển chọn năm đề tài khoa học và công nghệ thực hiện từ năm 2025 (trong đó có một đề tài thuộc Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học thực hiện năm 2025)…

Với những mục tiêu cụ thể trong công tác đào tạo nghiên cứu khoa học, Trường đại học Quy Nhơn chú trọng liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và địa phương để giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh. Năm 2022, nhà trường được VLIR-UOS lựa chọn là trường đại học đối tác để thực hiện các pha khác nhau của chương trình IUC.

Chương trình được thực hiện trong vòng 10 năm, có mục tiêu kép là cải thiện bền vững sinh kế cùng điều kiện sống của người dân vùng Duyên hải Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu của Trường đại học Quy Nhơn trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, môi trường và năng lượng tái tạo.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng tăng về số lượng và chất lượng. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được nghiệm thu với kết quả tốt. Không ít đề tài được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín. Hằng năm, sinh viên của trường đạt được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp Bộ và học bổng của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trao tặng. Năm học 2023-2024, trường có 95 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được triển khai, trong đó có 92 đề tài được nghiệm thu đúng hạn với kết quả Xuất sắc: 64 đề tài (chiếm 69,5%); Tốt: 23 đề tài (chiếm 25%) và Đạt: 5 đề tài (chiếm 5,5%).

Trường đã tổ chức xét chọn 31 đề tài đạt Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường (trong đó có năm giải nhất, sáu giải nhì, 11 giải ba và chín giải khuyến khích). Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên năm học 2023-2024 tăng 23 đề tài so năm trước và rất nhiều đề tài có bài báo đăng trên tạp chí khoa học uy tín. Đáng chú ý, nhiều đề tài đã hướng tới giải quyết vấn đề thực tiễn như: Nghiên cứu ứng dụng chuỗi Markov trong dự báo xu hướng giá chứng khoán; Nghiên cứu tổng hợp Bi2(MoO4)3 ứng dụng làm anode cho pin sạc Li-ion; Nghiên cứu, đánh giá tỷ lệ các yếu tố cấu thành giá đất ở phục vụ xây dựng hệ số điều chỉnh trong định giá đất cụ thể tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường đại học Quy Nhơn cho biết, dựa trên những khảo sát yêu cầu từ thực tiễn, trường thiết kế chương trình đào tạo sao cho phù hợp nhất nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoài lĩnh vực sư phạm, những ngành nghề mà khu vực có nhu cầu, nhất là Bình Định, đã xác định phát triển thành thành phố khoa học, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin, gần đây là thiết kế phần mềm, thiết kế vi mạch…

Do vậy trường tập trung nghiên cứu, đào tạo những ngành nghề mới như trên. Đến nay, đã có những lứa sinh viên tốt nghiệp có thể bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động khoa học của viên chức, giảng viên trong trường không ngừng được phát triển và nâng cao. Kết quả các đề tài không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo mà còn gắn với thực tiễn, có tiềm năng cho phát triển thành các sản phẩm ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…

Đây là tiền đề quan trọng để hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, hình thành doanh nghiệp khoa học-công nghệ cấp trường, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu cho Trường đại học Quy Nhơn.