Thúc đẩy chế biến, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 430 cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y an toàn thực phẩm, đang hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ sở giết mổ gia súc hiện đại tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.
Cơ sở giết mổ gia súc hiện đại tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì.

Số lượng cơ sở giết mổ động vật tập trung còn ít; trong khi số cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ là hơn 24.000 cơ sở, song chỉ có hơn 7.000 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hơn 70% số cơ sở còn lại không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Mặt khác, khâu chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi còn yếu, chưa tích hợp các giá trị trong từng sản phẩm.

Thực tế nêu trên cho thấy, việc giết mổ gia súc, gia cầm còn bất cập, gây khó khăn cho công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi. Nguyên nhân là do, nhiều tỉnh, thành phố chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ “lậu”, không phép.

Tại nhiều địa phương, việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y còn chưa chặt chẽ. Có nơi thậm chí không thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung, hoặc không thực hiện kiểm soát giết mổ trên địa bàn bởi nguồn nhân lực của Chi cục Chăn nuôi và Thú y “mỏng”, thiếu nhân viên được đào tạo chuyên ngành, không được tập huấn về quy trình kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ…

Khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, tạo điều kiện rộng mở cho ngành chăn nuôi phát triển, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030.

Đề án nhằm nâng cao năng lực giết mổ, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 đến 1,5 tỷ USD, năm 2030 đạt từ 3 đến 4 tỷ USD; góp phần đưa chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Muốn đạt được mục tiêu nêu trên, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, rà soát, phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ; xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ Trung ương tới địa phương.

Đẩy mạnh phát triển một số cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa; Tiếp tục áp dụng khoa học-công nghệ tiên tiến vào giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghiệp giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi phù hợp lộ trình phát triển trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt, cần có những giải pháp nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có truy xuất nguồn gốc. Chú trọng việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tại các địa phương theo hướng bền vững, hướng đến xuất khẩu.