Lãnh đạo 20 quốc gia thúc đẩy cách tiếp cận quốc tế về an toàn AI

Hội nghị cấp cao về an ninh trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra trong hai ngày 1 và 2/11 tại Bletchley Park (Vương quốc Anh), với sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ hơn 20 quốc gia, các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ lớn cùng các nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực AI.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị cấp cao về an ninh trí tuệ nhân tạo sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới AI. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)
Hội nghị cấp cao về an ninh trí tuệ nhân tạo sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới AI. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên về an ninh AI trên thế giới, tập trung thảo luận về lo ngại liên quan tác động của AI tạo sinh, cũng như khả năng các quy định hiện nay có thể kiểm soát rủi ro, thách thức mà công nghệ này đặt ra. Theo Thủ tướng Anh Sunak, hội nghị hướng tới cách tiếp cận mang tính quốc tế hơn về vấn đề an toàn AI. Các đại biểu sẽ nỗ lực để đạt được tuyên bố quốc tế đầu tiên, đồng thời đề xuất thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế về AI.

Trong khi đó, ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu rủi ro mà công nghệ AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI. Đây là bước đi mới nhất của chính quyền Mỹ nhằm thiết lập các khuôn khổ quản lý AI.

Theo Nhà trắng, sắc lệnh yêu cầu các công ty khi phát triển các hệ thống AI, mà có nguy cơ gây rủi ro cho an ninh và nền kinh tế quốc gia, sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng, phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với Chính phủ Mỹ trước khi công bố rộng rãi. Sắc lệnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng thiết lập các tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm để giúp bảo đảm các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.

Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Italia, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp và Bộ trưởng Kinh tế Đức đã họp tại Rome (Italia) để thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật số và AI. Đánh giá rằng “sức mạnh biến đổi to lớn” của AI (tác động đáng kể đến công nghiệp, năng suất và khả năng cạnh tranh của EU), các bên nhấn mạnh sự cần thiết đặt công nghệ chiến lược này vào trung tâm chính sách công nghiệp của EU.

Ngày 30/10, các quan chức Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhất trí về các nguyên tắc hướng dẫn và một bộ quy tắc ứng xử cho những nhà phát triển AI tiên tiến. Đây là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm giảm rủi ro liên quan như thông tin sai lệch và lo ngại về quyền riêng tư.

Các đại diện chính phủ và các công ty công nghệ lớn, trong đó có TikTok, Snapchat và Stability AI, đã ký tuyên bố chung cam kết phối hợp để giảm thiểu và ngăn chặn hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em là sản phẩm của AI. Bản tuyên bố chung được Chính phủ Anh công bố trước hội nghị cấp cao về AI, với 27 chữ ký của đại diện các nước, trong đó có Mỹ, Đức và Australia.