Ngày 4/8, tại thành phố Huế, Đại học Huế phối hợp Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn “Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp miền trung và Tây Nguyên”.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương và gần 200 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp trong nước tham dự diễn đàn.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại diễn đàn. |
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, khu vực miền trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông-lâm nghiệp bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên. Theo đó, xác định mục tiêu phát triển miền trung-Tây nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố miền trung và Tây Nguyên.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông lưu ý các tỉnh miền trung-Tây nguyên cần xác định, việc phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại diễn đàn. |
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vào năm 2016, Thừa Thiên Huế đã sớm ban hành các kế hoạch nhằm đẩy mạnh triển khai Đề án và đặc biệt đã phê duyệt Đề án Cố đô khởi nghiệp giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở điều chỉnh nội dung Đề án của Trung ương để phù hợp hơn với tình hình mới và định hướng phát triển của địa phương.
Đặc biệt, vừa qua Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng. Đó là: Nghị quyết “Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết “Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025”.
Đây là chủ trương, chính sách góp phần hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khắp trong cộng đồng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đề xuất, xây dựng các dự án khởi nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh. Nhiều dự án khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia tại cuộc thi vùng và khu vực đều đạt giải cao và phát huy giá trị kinh tế ngay khi tham gia vào thị trường.
Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ, với sự chủ động và xác định con đường đi phù hợp cho mình, năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu “Địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp” và danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh và trao tặng năm 2022.
“Đóng góp vào thành công trên, có một phần không nhỏ của Đại học Huế nói chung và Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế nói riêng trong việc đào tạo, ươm mầm, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua”, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận.
Kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hiện nay, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là một động lực cho phát triển với mục tiêu "Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế".
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao sự phối hợp của Đại học Huế trong việc đồng tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền trung và Tây Nguyên hôm nay.
“Sự hiện diện đầy đủ của quý vị đại biểu từ các thành tố trong Hệ sinh thái, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn, các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp trong Diễn đàn là minh chứng cho sự quan tâm của quý vị đối với sự phát triển bền vững của khu vực miền trung và Tây Nguyên dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các đại biểu tích cực thảo luận, tiếp cận sâu sắc hơn thực trạng, những khó khăn, thách thức và đề xuất được nhiều giải pháp hữu ích, cụ thể trong việc thúc đẩy các hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp cho Vùng. Diễn đàn này cũng là cơ hội quan trọng để kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác các bên trong thời gian tới.
Tặng hoa chúc mừng các thành viên mới của mạng lưới UEINI (Univertity Entrepreneurship and Innovation Network Initiative). |
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương, Đại học Huế nói chung và Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Đại học Huế nói riêng đã đóng góp một phần thành công trong việc đào tạo, ươm mầm, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Phương kỳ vọng: thông qua diễn đàn sẽ được lắng nghe các chuyên gia, các nhà đầu tư chia sẻ thêm những thông tin, phân tích xu hướng mới và tham vấn các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động khoa học-công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng như trong khu vực miền trung và Tây Nguyên.
PGS, TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, với mục tiêu tìm kiếm động lực, hoạch định chính sách, xây dựng môi trường thúc đẩy sự phát triển Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khu vực miền trung và Tây Nguyên trong thời gian tới, diễn đàn tập trung vào các vấn đề: Nhận diện hiện trạng Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các địa phương, trường đại học cũng như khu vực miền trung và Tây Nguyên; Định hướng giải pháp phát triển, thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Quốc gia; Đánh giá vai trò của trường đại học trong hoạt động giáo dục và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhận diện những điểm nghẽn, rào cản trong hoạt động của các đơn vị.
Ngoài ra, tại diễn đàn cũng có đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối nguồn lực Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp khu vực miền trung và Tây Nguyên, vai trò của các bên liên quan; Tiêu chí đo lường và đánh giá hiệu quả các hoạt động Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng và các địa phương…
“Thành công của Diễn đàn Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp miền trung và Tây Nguyên năm 2023 là động lực quan trọng để tiếp tục phát triển hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp các địa phương, các trường đại học cũng như Hệ sinh thái quốc gia”, Giám đốc Đại học Huế Lê Anh Phương kỳ vọng.