Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tỉnh Cao Bằng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án. Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam - Công ty CP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) - Công ty CP Xây dựng Công trình 568 là nhà đầu tư dự án theo hình thức PPP, hợp đồng BOT theo quyết định số 1629/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh - huyện Văn Lãng - tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo - huyện Quảng Hòa - tỉnh Cao Bằng; tổng mức đầu tư giai đoạn là 14.331 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng.
Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được triển khai theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, bề rộng mặt cắt ngang nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp.
Tuyến cao tốc này không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần củng cố quốc phòng-an ninh quốc gia, kết nối Cao Bằng với các tỉnh biên giới, với các trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa và quốc tế. Đảng bộ, nhân dân Cao Bằng xác định cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án trọng điểm của tỉnh - có đường mới có thể thoát nghèo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức bấm nút khởi công dự án. (Ảnh: Thanh Giang) |
Con đường cũng là khát vọng của nhiều thế hệ đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Cả hệ thống chính trị của tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ đã vào cuộc quyết liệt để công trình được triển khai sớm nhất.
Ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, được Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch có chiều dài 144km, với tổng vốn đầu tư trên 47.000 tỷ đồng. Đây là dự án rất khó về yếu tố kỹ thuật bởi địa hình hiểm trở, đặc biệt là suất đầu tư rất lớn, lưu lượng thấp dẫn đến bài toán hoàn vốn khó khăn. Đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được.
Với năng lực đầu tư, kinh nghiệm tổ chức giải quyết nhiều dự án khó khăn phức tạp về kỹ thuật, tài chính, pháp lý…, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến với 4 hầm xuyên núi cùng các cầu vượt thung lũng, rút ngắn 23km chiều dài tuyến xuống còn 121km, tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn còn gần 23.000 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với phương án ban đầu.
Nhà đầu tư phải tiếp tục có những giải pháp để tối ưu hơn, trong đó bao gồm áp dụng mô hình PPP+ được đúc kết từ kinh nghiệm nhiều năm đầu tư, thi công các dự án giao thông trọng điểm tại Việt Nam của Tập đoàn Đèo Cả. Mô hình PPP+ là giải pháp huy động nguồn vốn cho dự án từ vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn trái phiếu đặc biệt là vốn nhà đầu tư, bên cạnh đó, nhà đầu tư thứ cấp đồng thời là các tổng thầu thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC) có năng lực, kinh nghiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về mô hình kết cấu hầm đường bộ trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. (Ảnh: Thanh Giang) |
Theo Quyết định số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023, tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn nhưng bảo đảm tiết kiệm tối đa cho ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư).
Nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỷ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư) đã được các nhà đầu tư thu xếp đủ, trong đó ngân hàng VPBank đồng ý cấp nguồn tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án.
Về phía tỉnh Cao Bằng đã cắt giảm 22 dự án đầu tư công, dồn nguồn lực, tăng vốn tham gia của ngân sách địa phương từ 2.500 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng.
Tại dự án này, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hợp tác với các trường đại học, trường đào tạo nghề, để nâng cao tay nghề cho công nhân, khả năng thực hành, ứng dụng công nghệ cho kỹ sư và đúc kết mô hình quản lý, thi công chuẩn mực cho doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số, mô hình BIM để kiểm soát giải phóng mặt bằng, minh bạch trong thiết kế, tối ưu hóa chi phí; các quy tắc ứng xử, sơ cứu cấp cứu sẽ được tổ chức đào tạo và diễn tập thường xuyên tại công trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng phát biểu nhấn mạnh, Tập đoàn xem dự án này là “thao trường” để triển khai công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học là nơi doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng những công nghệ và phương thức quản trị mới, qua đó sẽ nâng cao năng lực, kinh nghiệm “thực chiến” cho đội ngũ nhân sự (công nhân sẽ nâng cao tay nghề, kỹ sư sẽ có khả năng thực chiến - ứng dụng công nghệ; cấp quản lý sẽ minh bạch hơn trong quản lý đầu tư, thi công và quá trình thanh quyết toán dự án). Những giải pháp đầu tư, thi công được áp dụng tại cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đúc rút qua nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dự án khó của Tập đoàn Đèo Cả.
Thay mặt Liên danh các nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả hứa với Chính phủ, người dân sẽ thực hiện dự án với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”, “đã nói là làm và đã cam kết là phải thực hiện hiệu quả” như tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo lan tỏa ngành giao thông vận tải trong thời gian qua…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến các tập đoàn ủng hộ tiền xây nhà đại đoàn kết cho nhân dân địa phương. (Ảnh: Thanh Giang) |
Phát biểu ý kiến tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong không khí phấn khởi ngày đầu tiên của năm mới 2024, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, hầu hết các lĩnh vực đều có bước tiến mới, đặt nền tảng triển khai nhiệm vụ năm 2024 với một tâm thế mới và niềm tin vững chắc.
Thủ tướng rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương có mặt tại mảnh đất lịch sử huyện Thạch An, Tỉnh Cao Bằng, nơi mà cách đây hơn 73 năm đã diễn ra chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam giành thắng lợi mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhất là Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sau đó. Tiếp nối và phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, hôm nay, chúng ta chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) (giai đoạn 1).
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, còn nhiều khó khăn, nhưng với khí thế mới, tâm thế mới, với truyền thống cách mạng hào hùng, sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của nhân dân, chúng ta tin tưởng sẽ có thành công mới. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Dự án sẽ tạo sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai để kết nối thông suốt cả nước, kết nối các vùng miền trong đó có Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Đây là dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cho đến thời điểm hiện nay, là mong mỏi thiết tha của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân tỉnh Cao Bằng. Có triển khai được dự án này, chúng ta mới có thể đền đáp được hy sinh, đóng góp của nhân dân trên vùng đất chiến khu xưa.
Dự án sẽ tạo sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và khu vực Đông Bắc Bộ.
Để có đủ điều kiện khởi công dự án hôm nay, chúng ta đã phải cùng nhau xử lý một khối lượng lớn công việc với rất nhiều các khó khăn, vướng mắc, như trong công tác quy hoạch, lập cũng như điều chỉnh dự án, thẩm định, phê duyệt, thu xếp vốn, có thể kể ra:
Thứ nhất, Quy hoạch ban đầu của dự án chưa thật phù hợp để nắm bắt cơ hội và khai thác tiềm năng phát triển của địa phương, chưa thực sự đáp ứng tâm tư nguyện vọng và lòng mong mỏi của người dân Cao Bằng đòi hỏi phải điều chỉnh thời gian thực hiện kịp thời hơn; chúng ta quyết tâm khởi công dự án ngay trong thời điểm này thay vì phải đợi sau năm 2030 như quy hoạch ban đầu.
Thứ hai, dự án thực hiện trong giai đoạn pháp lý, chính sách về dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thay đổi, đặc biệt đây là một trong những dự án thực hiện theo hình thức BOT, đầu tư đối tác công tư sau khi Luật PPP có hiệu lực. Do vậy, trong quá trình thực hiện phải có những điều chỉnh linh hoạt vừa phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ thể chế và khuôn khổ pháp lý hiện hành. Theo Thủ tướng, vướng mắc ở đâu ở đó phải tháo gỡ, giải quyết.
Thứ ba, dự án thực hiện trong bối cảnh nguồn vốn huy động ngoài ngân sách rất khó khăn; các kênh huy động vốn, tín dụng, trái phiếu… đều thắt chặt dẫn đến phải có sự điều chỉnh kịp thời đối với sự tham gia nguồn vốn đầu tư công để tăng tính hiệu quả dự án, tăng sức thu hút huy động các nguồn vốn nhà đầu tư, tổ chức tài chính cho dự án.
Thứ tư, dự án triển khai trong bối cảnh còn nhiều cán bộ công chức có tâm lý ngại trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy… dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thứ năm, đây là dự án cao tốc với chiều dài lớn trên 93km, đi qua địa bàn liên tỉnh có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp; khi vạch hướng tuyến phải cố gắng vạch hướng tuyến “thẳng nhất có thể”; “qua sông suối thì bắc cầu, qua núi thì khoét hầm, qua đồng ruộng thì đắp đất”; dự án cần phải có nhiều giải pháp thu hút dòng xe để bảo đảm nguồn thu trong tương lai khi thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là những khó khăn đó đã được hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ, các bộ ngành, trung ương, Hội đồng thẩm định nhà nước, các đơn vị liên quan cùng nhau chung tay tháo gỡ, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành.
Nhân buổi lễ này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, các bộ, ngành, liên quan, Tập đoàn Đèo Cả, các đơn vị liên quan đã vượt qua rất nhiều khó khăn, luôn đổi mới sáng tạo, "vượt nắng, thắng mưa", thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn trong quá trình chuẩn bị dự án; thiết lập đồng bộ khu điều hành dự án; biểu dương và cảm ơn nhân dân đã nhường đất cho dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra mẫu kết cấu bê-tông sẽ được thi công tại dự án cao tốc. (Ảnh: Thanh Giang) |
Thủ tướng nhấn mạnh, từ kết quả và ý nghĩa của Dự án hôm nay, càng củng cố thêm cho chúng ta những kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng, trong đó: nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; phát huy tính tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại; trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là khi gặp khó khăn, vướng mắc thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, quyết liệt rồi thì quyết liệt hơn nữa; chủ đầu tư, nhà thầu cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan mở rộng giai đoạn 1 từ 2 làn lên 4 làn đường; rút kinh nghiệm các dự án cao tốc khác, phải làm ngay. TỈnh Cao Bằng, Lạng Sơn thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, chủ trương của Đảng; động viên nhân dân nhường đất cho dự án, bảo đảm đời sống của nhân dân đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ động, tích cực; các bộ, ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu.
Chính phủ cùng với địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu nỗ lực với tinh thần khó khăn ở đâu, giải quyết ở đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
Với chủ đầu tư, nhà thầu, Thủ tướng đề nghị thực hiện mô hình PPP+, mô hình quản trị BIM, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để triển khai các dự án khác; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho Đèo Cả mà cùng với hai địa phương Cao Bằng, Lạng Sơn, xây dựng một trung tâm đào tạo nhân lực, tiếp tục quán triệt "vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, làm xuyên ngày nghỉ, xuyên Tết, thi công "3 ca, 4 kíp", bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, không vượt tổng mức đầu tư, bảo đảm an toàn thi công, vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở vùng dự án đi qua; mỗi hạng mục công trình, nút giao thì cần thiết kế mang bản sắc văn hoá truyền thống, tạo cảnh quan kiến trúc đẹp.
Các nhà tư vấn, giám sát thực hiện đúng quy định của pháp luật, hỗ trợ quá trình phát triển; mong các doanh nghiệp tham gia dự án với hình thức một tổng thầu nhưng huy động nhiều nhà thầu, với mục tiêu cuối năm 2025, đầu năm 2026 thông xe tuyến cao tốc này với 4 làn đường; nghiên cứu kết nối tuyến cao tốc này lên tận cửa khẩu Trà Lĩnh.
Thủ tướng tin tưởng, với truyền thống cách mạng hào hùng của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, với nỗ lực, vào cuộc của các bộ, ngành, công trình sẽ được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng; gọi chiến dịch thực hiện dự án là “Chiến dịch Đông Khê năm 2024”.
* Sáng 1/1, trong chương trình công tác tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, kiểm tra tình hình hoạt động của Nhà máy Gang thép Cao Bằng tại xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Gang thép Cao Bằng. (Ảnh: Thanh Giang) |
Nhà máy nằm trong Khu liên hợp Gang thép Cao Bằng với tổng mức đầu tư 1.911 tỷ đồng. Đây là dự án được áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, gồm tổ hợp nhà máy thiêu kết công suất 399.200 tấn quặng sắt thiêu kết/năm; lò cao dung tích 179 m3 công suất 219.000 tấn nước gang/năm; lò chuyển luyện thép dung tích thiết kế 25 tấn/mẻ.
Tổng công suất thiết kế của nhà máy đạt 221.600 tấn phôi thép/năm, doanh thu ước đạt 1.500 tỷ đồng/ năm. Khu liên hợp được thiết kế bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, khi đi vào sản xuất sẽ giải quyết cho 1.500 lao động tại nhà máy.
Bên cạnh đó Công ty đã hoàn thành công tác thăm dò và lập báo cáo, trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản phê duyệt trữ lượng mỏ sắt Nà Rụa; lập báo cáo đầu tư khai thác lộ thiên mỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, tặng quà động viên cán bộ, công nhân Nhà máy Gang thép Cao Bằng. |
Dự án khai thác mỏ sắt Nà Rụa tại địa bàn phường Tân Giang, thị xã Cao Bằng với tổng trữ lượng đạt hơn 16.700 nghìn tấn quặng sắt, sản lượng khai thác đạt 350.000 tấn tinh quặng sắt/năm, đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng và ổn định cho Khu liên hợp Gang thép, giải quyết nhu cầu lao động cho hơn 500 công nhân lao động.