Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; dự tại điểm cầu Đồng Tháp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời là Dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106 ngày 18/8/2022 để triển khai thực hiện. Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh).
Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 héc ta, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác mức. Dự án có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư BOT là 29.447 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khởi công. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm 7 dự án thành phần do thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản. Trong đó 3 dự án giải phóng mặt bằng và 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành được thực hiện theo hình thức đầu tư công, riêng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
VINACONEX là đơn vị được lựa chọn thực hiện gói thầu có chiều dài lớn nhất của dự án, chiều dài khoảng 23km (từ Km13+17,92 đến Km36+166,74). Gói thầu số 09/TP2 - XL thuộc Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Giá trị trúng thầu 1.816 tỷ đồng; thời gian thực hiện 1.080 ngày.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 24/6/2022, với quy mô phân kỳ giai đoạn 1, chiều dài 27,43km, tổng mức đầu tư khoảng 5.886 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước. Dự án được chia thành 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp phụ trách, có tổng vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng và dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách có tổng vốn đầu tư 2.246 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, dự án có 14 gói thầu gồm 11 gói thầu tư vấn, 1 gói thầu bảo hiểm, 1 gói thầu rà phá bom mìn và 1 gói thầu xây lắp. Tiến độ giải ngân vốn của dự án đạt trên 72%, tương đương gần 539 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2023. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị đầu tư đạt 95%, giai đoạn thực hiện đầu tư sẽ đạt giá trị giải ngân theo yêu cầu khi ký kết hợp đồng thi công và giải phóng mặt bằng đạt 96%, đã bồi thường hỗ trợ cho 511 hộ dân, bố trí 117 nền tái định cư.
Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu trong giai đoạn 1 được đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 mét, vận tốc tối đa 80 km/giờ. Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Thời gian thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu từ năm 2022-2027.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc và hoàn thành mục tiêu này thì đến năm 2025 chúng ta phải đạt ít nhất là 3.000km. Điều đó có nghĩa, chúng ta phải làm gần 2.000km từ nay đến 2025.
Trong giai đoạn 2000-2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác hơn 1.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong 5 năm, chúng ta phải làm gấp 2 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm vừa qua.
“20 năm qua, chúng ta triển khai chưa được nhiều nhưng mang lại bài học rất quý báu, đánh dấu một mốc son quan trọng về hệ thống đường cao tốc. Từ đó, chúng ta có kinh nghiệm triển khai giai đoạn 2021-2025, 2026-2030, có thêm bài học về cách phân cấp, phân quyền, cách tổ chức thế nào để làm tốt hơn”, Thủ tướng nói. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội.
Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đạt được một số dấu mốc quan trọng về phát triển đường cao tốc.
Thứ nhất, đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.729km.
Thứ hai, các dự án đang thi công, với tổng chiều dài 350 km.
Thứ ba, từ đầu năm 2023 đã khởi công các dự án, có tổng chiều dài 1.406 km.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Như vậy, cùng với 1.729km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6 năm 2023 là 1.756km.
Nếu phấn đấu tốt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung trọng điểm, trọng tâm hơn nữa thì từ nay đến năm 2025, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu có trên 3.000km cao tốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
“Nếu phấn đấu tốt hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung trọng điểm, trọng tâm hơn nữa thì từ nay đến năm 2025, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu có trên 3.000km cao tốc”, Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, còn gần 300km cao tốc đang trong quá trình nghiên cứu, phê duyệt dự án.
Theo Thủ tướng, việc Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.
Việc đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh-An Hữu sẽ hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để có đủ điều kiện khởi công 2 Dự án này, các cấp, các ngành, các địa phương được giao là cơ quan chủ quản, nhất là Hà Nội và An Giang đủ thủ tục khởi công hôm nay đã phải triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn: từ công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán đến lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng…
Quang cảnh lễ khởi công. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong quá trình chuẩn bị đầu tư để có việc khởi công hôm nay, trong đó có việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng và phân cấp thực hiện. Trung ương giao cho các tỉnh, thành, các tỉnh, thành giao cho các huyện, thị. Như vậy, sự phân cấp này tạo cơ hội, thuận lợi cho giải phóng mặt bằng. Cấp cơ sở, các quận, huyện, xã, phường đã vào cuộc tích cực.
Điều đặc biệt hơn khi Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù. Thứ nhất, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo đó giao các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Thứ 2, áp dụng cơ chế huy động nguồn lực cho dự án kết hợp giữa ngân sách Trung ương và địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác. Thứ 3, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.
“Kết quả khởi công hôm nay mới là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn”, Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan liên quan tiếp tục bám sát tiến độ, sự phân cấp, phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo.
Thứ 2 là tiếp tục công việc giải phóng mặt bằng, tái định cư với nguyên tắc xuyên suốt là cuộc sống tại nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút khởi công. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thứ 3 là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương, các cấp các ngành, nhất là ở cơ sở. “Đây là một khâu mà tôi đi kiểm tra trong 2 năm nay thì thấy hay ách tắc mà phải giải quyết ngay tại hiện trường, vì một số quy định của chúng ta còn chồng chéo, chưa đúng bản chất”, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm, tích cực giải quyết vấn đề nguyên vật liệu cho dự án. Cần tránh tham nhũng, tiêu cực trong khai thác nguyên vật liệu thông thường (đất, đá, cát, sỏi).
Thứ 4 là thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng tác động của các điều kiện thời tiết, “chúng ta phải vượt nắng thắng mưa, thực hiện 3 ca 4 kíp”, Thủ tướng nêu rõ. Kinh nghiệm của các dự án đạt, vượt tiến độ vừa qua là phải vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các Bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, thành lập các ban quản lý dự án.
Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập khi triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước, các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố cần tích cực đi kiểm tra, đôn đốc, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay.
Mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, là sự ấm no hạnh phúc của người dân. “Không phải chỉ nói trên hội trường, trên diễn đàn cho xong mà nói phải làm, cam kết phải thực hiện”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều nhưng khó khăn hơn, đòi hỏi quyết tâm hơn. “Các đồng chí phải kiểm tra thường xuyên nơi ở mới của người dân thực sự đã bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ chưa, chứ không phải người dân đã di dời thì coi như xong việc”, Thủ tướng nói. Mục tiêu cuối cùng của Đảng, Nhà nước ta là chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, là sự ấm no hạnh phúc của người dân. “Không phải chỉ nói trên hội trường, trên diễn đàn cho xong mà nói phải làm, cam kết phải thực hiện”.
Thủ tướng yêu cầu các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường nâng cao trách nhiệm của mình, thường xuyên kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ; không vì lợi ích cá nhân, không hạ thấp tiêu chuẩn, hạ thấp giám sát, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí... cùng với các địa phương và các đơn vị có liên quan.
Mỗi cá nhân có liên quan tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đồng lòng chung sức giải quyết khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ mỹ thuật, vệ sinh môi trường.
Các đơn vị thi công công trình. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Để triển khai thành công các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh khâu nào cũng quan trọng, không thể bỏ qua nhưng có 2 khâu quan trọng hơn, mang tính nền tảng là bố trí vốn đầy đủ và mặt bằng đủ điều kiện thi công và 6 yêu cầu phải nghiêm túc quán triệt để dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Thứ nhất, phải bảo đảm chất lượng. Thứ 2 là bảo đảm tiến độ. Thứ 3, phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động. Thứ tư, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, đặt lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Thứ 5 là không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu. Thứ 6 là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
“Tinh thần là phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đấy, tăng cường giám sát, kiểm tra, chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình tổ chức, thi công và đặc biệt quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã nhường chỗ ở, nơi canh tác, làm việc của mình cho dự án”, Thủ tướng nhấn mạnh.