Cùng đi khảo sát có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Xây dựng; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Tại thị xã Tân Uyên (Bình Dương), Thủ tướng đã khảo sát dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành. Dự án có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa nằm trên đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh, điểm cuối giao với quốc lộ 14 tại thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 69km.
Dự án chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư tuyến đường qua Bình Dương khoảng 9.000 tỷ đồng, đoạn qua Bình Phước khoảng 500 tỷ đồng, đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2.600 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của các địa phương. Giai đoạn 2 của dự án có tổng mức đầu tư 13.500 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ triển khai từ năm 2023-2025, song song với quá trình triển khai thực hiện kêu gọi nhà đầu tư triển khai giai đoạn 2 theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn thành tại thị xã Tân Uyên. |
Tiếp đó, tại thành phố Dĩ An (Bình Dương), Thủ tướng đã khảo sát dự án đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dự án đang được tỉnh Bình Dương phối hợp Bộ Giao thông vận tải lập dự án nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Bàu Bàng-Thị Vải-Cái Mép, gồm 3 giai đoạn: Bàu Bàng-An Bình, Dĩ An-Phước Tân, Biên Hòa và Phước Tân-Cái Mép.
Tại thành phố Thuận An, Thủ tướng khảo sát dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương dài 26,06km. Hiện, tỉnh đang tiến hành chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng gồm: dự án xây lắp với tổng mức đầu tư 5.752 tỷ đồng và dự án giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 13.528 tỷ đồng. Dự kiến khởi công theo kế hoạch của Chính phủ vào ngày 30/6/2023.
Tiếp đó, Thủ tướng đã khảo sát dự án đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng có tổng chiều dài 43,7km quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 5.303 tỷ đồng. Đây là trục đường bảo đảm kết nối khu vực đông Bình Dương với các trục chính đường Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Bàu Bàng-Đồng Phú tỉnh Bình Phước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi công nhân đang thi công công trình giao thông trên địa bàn thị xã Bến Cát. |
Qua khảo sát các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là các tuyến đường trọng điểm không chỉ của tỉnh Bình Dương mà còn kết nối liên vùng kinh tế trọng điểm phía nam, mở ra không gian phát triển mới cho toàn khu vực, khai thác và sử dụng hiệu quả quỹ đất, tạo cơ cở hạ tầng tốt và thu hút đầu tư hiệu quả.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Bình Dương khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư đúng quy định càng sớm càng tốt; trong đó chú trọng dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành hoàn tất các bước thủ tục để khởi công vào tháng 4/2023.
Thủ tướng cũng lưu ý, quá trình triển khai các dự án cần tính toán hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đối với người dân có đất mà dự án đi qua, tỉnh cần đầu tư xây dựng các khu tái định cư sớm, bố trí tái định cư phù hợp để người dân nhanh chóng ổn định đời sống sau khi Nhà nước thu hồi đất; từ đó an tâm, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi công nhân đang thi công Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam tại khu công nghiệp Bàu Bàng. |
Trong sáng ngày 3/12, Thủ tướng đã khảo sát công trình Nhà máy 2 Công ty TNHH Paihong Việt Nam tại khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng (huyện Bàu Bàng). Tại đây, Thủ tướng đã thăm hỏi đời sống công nhân đang xây dựng công trình và đề nghị doanh nghiệp bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, an toàn lao động và đời sống công nhân.
Tiếp đó, Thủ tướng đã tới kiểm tra, khảo sát dự án Bệnh viện Đa khoa Bình Dương quy mô 1.500 với vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng từ ngân sách địa phương trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một. Dự án khởi công năm 2014 nhưng hiện chưa đi vào hoạt động với nguyên nhân chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề.
Qua khảo sát, Thủ tướng chỉ đạo địa phương phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy dự án sớm hoàn thành và cố gắng đưa bệnh viện vào sử dụng trong năm 2023 nhằm phục nhân dân với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, từ thực tiễn khó khăn của dự án bệnh viện cần rút kinh nghiệm cho các dự án khác trên cả nước, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư phải thật tốt; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phải có tổng thầu xây lắp và lựa chọn nhà thầu đúng; đồng thời, triển khai đồng bộ cả thi công xây lắp, chuẩn bị thiết bị và nhân lực, cơ chế vận hành...