Thủ tướng Nhật Bản thăm các nước vùng Trung Á để mở rộng quan hệ đối tác

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thăm các nước vùng Trung Á trong chuyến công tác từ ngày 9 đến 12/8, với nhiều đề xuất về tăng cường hợp tác và phát triển khu vực. Thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, Tokyo hướng tới mục tiêu mở rộng quan hệ đối tác với Trung Á có tầm quan trọng chiến lược ngày càng lớn, giữa lúc các cường quốc nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp Ngoại trưởng của 5 quốc gia Trung Á, tháng 12/2022. (Ảnh: japan.kantei.go.jp)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp Ngoại trưởng của 5 quốc gia Trung Á, tháng 12/2022. (Ảnh: japan.kantei.go.jp)

Trong thông báo trước chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, Tokyo kỳ vọng chuyến thăm của Thủ tướng Kishida Fumio tới Trung Á mở ra nhiều cơ hội tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực.

Trong chuyến công du lần này, nhà lãnh đạo Nhật Bản dừng chân tại Kazakhstan và Uzbekistan. Điểm nhấn lịch trình hoạt động của ông Kishida Fumio là tham dự đối thoại cấp cao Trung Á-Nhật Bản lần đầu diễn ra tại Kazakhstan, nơi Nhật Bản dự kiến công bố gói trợ giúp kinh tế Trung Á và đưa ra nhiều đề xuất về phát triển khu vực.

Gói hỗ trợ kinh tế dành cho khu vực Trung Á tập trung vào nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó có thiết lập tuyến đường thương mại. Theo kế hoạch, Nhật Bản mong muốn hỗ trợ phát triển Hành lang vận tải quốc tế qua Biển Caspi nối liền Trung Á và châu Âu, kỳ vọng tuyến đường xuất khẩu ổn định mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế khu vực.

Trong lĩnh vực phi các-bon hóa, các khoản vay và công nghệ Nhật Bản thúc đẩy hỗ trợ xử lý khí đốt tự nhiên. Đối với hoạt động trao đổi nhân văn, Nhật Bản sẵn sàng chào đón lao động có tay nghề từ Trung Á. Đại diện 50 công ty Nhật Bản tham gia tháp tùng Thủ tướng Kishida Fumio, sẵn sàng tham dự diễn đàn kinh doanh với khoảng 200 dự án hợp tác dự kiến được công bố.

Nằm giữa Đông Á và châu Âu, các quốc gia Trung Á (gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan) nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Khu vực cũng nổi lên với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số cao.

Vị thế Trung Á ngày càng được nâng lên, thu hút thêm nhiều sự chú ý không chỉ vì dự trữ dồi dào về dầu mỏ và tài nguyên, tiềm năng tăng trưởng kinh tế, mà còn vì vai trò chiến lược trong thương mại xuyên lục địa và các diễn biến địa chính trị trên toàn cầu liên quan cạnh tranh giữa các cường quốc, cũng như xung đột. Vì lẽ đó, nhiều bên bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với khu vực.

Tại Trung Á, Nhật Bản không phải “gương mặt mới”. Theo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực sau khi Liên Xô sụp đổ.

Theo thời gian, mối quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Trung Á ngày càng được củng cố. Năm 2004, hai bên thiết lập cơ chế đối thoại “Trung Á + Nhật Bản”, trong đó Nhật Bản đóng vai trò là “chất xúc tác” thúc đẩy hợp tác, cũng như hỗ trợ các quốc gia Trung Á phát triển.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, đối thoại cấp cao Trung Á-Nhật Bản lần này có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố cam kết của Tokyo với khu vực, góp phần duy trì trật tự quốc tế tự do và rộng mở. Để thúc đẩy đối thoại, Nhật Bản đã có sự chuẩn bị kỹ càng, tổ chức trao đổi ý kiến với các đại sứ của các nước Trung Á tại Nhật Bản.

Tokyo cũng tích cực triển khai cán bộ chuyên trách về kinh tế tại các cơ quan đại diện ngoại giao, trong đó có ở các nước Trung Á. Nhật Bản hy vọng, hợp tác doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm sức sống mới cho các nền kinh tế trong khu vực.

Thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Á tổ chức hàng loạt cuộc gặp, thảo luận với phía Nga, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, các nước vùng Vịnh, Mỹ, Đức… Trong bối cảnh các cường quốc không ngừng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, việc tiến hành đối thoại cấp cao đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập cơ chế đối thoại “Trung Á + Nhật Bản” là cơ hội để hai bên mở rộng hợp tác, tiếp thêm xung lực làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác lâu năm.