Bàn cờ Trung Á

"Đi dây" giữa các thế lực

0:00 / 0:00
0:00
Hàng nghìn lính Nga và CSTO đã được cử tới Kazakhstan hồi đầu năm để ổn định tình hình.
Hàng nghìn lính Nga và CSTO đã được cử tới Kazakhstan hồi đầu năm để ổn định tình hình.

Xung đột ở Ukraine không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa các cường quốc, làm thay đổi đến tận gốc rễ hình thế địa chính trị ở châu Âu mà nó còn tác động đến một địa bàn trước nay vẫn được coi là nằm trong vùng "không gian ảnh hưởng" của Nga: Trung Á.

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước khu vực Trung Á chật vật tìm chỗ đứng trong một thế giới biến động nhanh chóng. Hầu hết các quốc gia Trung Á đều có quan hệ chặt chẽ với Nga. Moscow là đối tác thương mại lớn nhất của Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), liên minh chính trị-quân sự bao gồm 6 nước cộng hòa Liên Xô cũ, trong đó Liên bang Nga là trụ cột (Uzbekistan từng ký vào thỏa thuận để trở thành thành viên của tổ chức CSTO, nhưng sau đó đã rút khỏi tổ chức 2 lần: lần 1 trong thời gian từ 1999 đến 2006, lần 2 từ 2012 đến nay).

Đầu tháng 1/2022, Chính phủ Kazakhstan điều chỉnh tăng giá khí thiên nhiên hóa lỏng dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối trên quy mô lớn. Những cuộc biểu tình này nhanh chóng biến thành các cuộc bạo loạn, lan rộng ra nhiều địa phương và cả ở thủ đô Nur-Sultan. Nhận thấy khó có khả năng kiểm soát tình hình, Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng hai tuần, đồng thời kêu gọi CSTO cử Lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan. CSTO, dưới sự dẫn dắt của Nga, đã đáp ứng lời kêu gọi này, triển khai Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Kazakhstan để hỗ trợ Tổng thống Tokayev, nhanh chóng ổn định tình hình Kazakhstan.

Trong số các nguyên nhân dẫn tới bạo loạn ở Kazakhstan, không khó để nhận thấy có những sự tác động từ các thế lực bên ngoài nhằm chống lại chính quyền của ông Tokayev với lý do chính quyền này... thân Nga! Bởi vậy mà Kazakhstan là một trong những quốc gia được coi là đồng minh thân thiết của Nga ở khu vực Trung Á.

Nhưng các nước khu vực Trung Á cũng có mối quan hệ truyền thống chặt chẽ với Ukraine, vốn là đối tác thương mại nằm trong top 10 của Uzbekistan và Turkmenistan. Sau khi cắt đứt quan hệ với Nga sau khi nổ ra cuộc tấn công ngày 24/2/2022, Ukraine đã quyết định đặt Tổng lãnh sự quán tại Kazakhstan.

Nằm ở vị trí nhạy cảm cùng với mối quan hệ khá tốt với cả hai nước Nga và Ukraine nên khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, ngoài những lời kêu gọi chung chung hai bên giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao, hầu hết các nước Trung Á rất cẩn trọng khi bày tỏ quan điểm. Phần lớn đều kêu gọi giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng con đường ngoại giao, còn lại giữ thái độ im lặng giống như thời kỳ cuộc chiến ở Gruzia năm 2008 và sự kiện Crimea sát nhập vào Nga năm 2014.

Cũng không có một quốc gia Trung Á nào bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết của liên hợp quốc yêu cầu Nga phải rút quân khỏi Ukraine.

Giữ khoảng cách với Nga

Khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra, giới quan sát theo dõi rất kỹ thái độ của Kazakhstan, quốc gia được coi là vẫn còn "nợ" Nga ân tình do vụ can thiệp dẹp bạo loạn một tháng rưỡi trước đó. Nhưng Nur-Sultan đã cố gắng tìm kiếm một vị trí trung lập. Một tuần sau khi Nga tuyên bố bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine ngày 24/2, Kazakhstan đề xuất đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Moscow với Kiev.

Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở thành phố St Petersbourg trung tuần tháng 6/2022 có sự tham gia của Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Kazakhstan, ông Tokayev tuyên bố Nur-Sultan không thừa nhận hai vùng lãnh thổ ly khai miền đông Ukraina với tên gọi ‘‘Cộng hòa Donetsk’’ và ‘‘Cộng hòa Lugansk’’ mà Nga công nhận độc lập. Hai hôm sau, với lý do vấn đề an ninh không bảo đảm, cần vô hiệu hóa một số bom chưa nổ lưu lại từ thời chiến tranh thế giới thứ hai dưới đáy Biển Đen, Moscow ngừng cho phép dầu mỏ Kazakhstan xuất khẩu ra bên ngoài thông qua cảng dầu Novorossisk trên Biển Đen...

Là một thành viên của CSTO cùng với Nga nhưng Kazakhstan không gửi quân tham chiến tại Ukraine. Lý do có thể là vì Nga chưa tuyên bố chiến tranh với Ukraine mà chỉ khuôn khổ nó trong một "chiến dịch quân sự đặc biệt" và cũng chưa kêu gọi các thành viên của CSTO tham chiến, tuy nhiên, thái độ "đứng sang một bên" của Kazakhstan là khá rõ ràng.

Uzbekistan, quốc gia cũng vừa trải qua các cuộc bạo loạn hồi đầu tháng 7 vừa qua liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp, hết sức thận trọng giữ quan hệ "đi dây" giữa hai bên. Từ năm 2016, Tashkent liên tục củng cố quan hệ với Moscow nhưng từ chối công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk. Phát biểu tại Thượng viện, Ngoại trưởng Uzbekistan tuyên bố ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chính quyền Tashkent cũng đưa ra cảnh báo là theo bộ luật hình sự của Uzbekistan, những công dân Uzbekistan đang sinh sống tại Nga có thể bị kết án từ 5 đến 10 năm tù nếu tham chiến cùng quân đội Nga...

Cả Kazakhstan và Uzbekistan đều gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Quốc gia Trung Á thứ ba cùng tham gia vào chiến dịch gửi viện trợ nhân đạo này là Kyrgyzstan, cũng giữ một thái độ mập mờ không rõ ràng về quy chế của Donetsk và Luhansk. Một vị thế trung lập được cho là tốt nhất đối với Kyrgyzstan.

Đó cũng là vị thế mà Tajikistan và Turkmenistan cố gắng duy trì để tranh thủ sự ủng hộ của Nga. Dù muốn hay không, các quốc gia Trung Á có mối quan hệ truyền thống với Moscow và không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của Nga. Nga có các căn cứ quân sự ở Tajikistan và Kyrgyzstan, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của cả hai nước. Vị thế này khiến Nga có khả năng cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động của Kyrgyzstan và Tajikistan. Lượng kiều hối do các lao động gửi về chiếm gần 1/3 GDP của Kyrgyzstan, 1/4 GDP ở Tajikistan, khiến cho các nền kinh tế bị tác động mạnh nếu Nga có các động thái gây khó dễ do lập trường của các nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Mặc dù vậy nhưng phải thừa nhận một thực tế là cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến cho một số đồng minh Trung Á của Nga lựa chọn chính sách giữ khoảng cách nhất định với Moscow.

Các tay chơi lớn xuất hiện

Tròn một tháng sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Trung Quốc công bố quyết định tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Turkmenistan. Tròn hai tháng sau, Trung Quốc công bố quyết định tương tự, lần này là với Kazakhstan.

Trung Quốc đã tranh thủ bán nhiều trang thiết bị quân sự cho các quốc gia Trung Á, đặc biệt là Turkmenistan, nơi họ vượt mặt Nga và chỉ đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là nhà cung cấp vũ khí cho Ashgabat.

Trong bối cảnh xung đột tiếp diễn tại Ukraine, các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường thâm nhập thị trường Trung Á. Tháng 4/2022, các doanh nghiệp Trung Quốc khánh thành một mỏ vàng ở Tajikistan, đồng thời giành được gói thầu xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điện mặt trời ở Kyrgyzstan. Trung Quốc cũng đã khởi công xây dựng tuyến hành lang nối nước này tới Đức và Thụy Điển qua Kazakhstan, tuyên bố nối lại công trình xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan...

Sự chuyển hướng nhất định trong chính sách của một số quốc gia Trung Á cũng đã mở ra cơ hội cho Mỹ xúc tiến đẩy mạnh quan hệ với một số quốc gia với tham vọng lấy lại vị thế và ảnh hưởng đối với khu vực này.

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, hàng loạt quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ đã tích cực thăm viếng Trung Á. Tháng 4/2022, nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Joe Biden về nhân quyền là Uzra Zeya tới thăm Kazakhstan, sau đó tiếp tục có chuyến thăm Kyrgyzstan. Trong chuyến thăm đó, hai bên thông báo Kyrgyzstan và Mỹ sẽ sớm ký thỏa thuận hợp tác song phương, cho phép Bishkek nhận viện trợ của Washington trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục.

Cuối tháng 5, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Donald Lu tới thăm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Vào tháng 6, tướng Erik Kurilla, người mới được bổ nhiệm làm chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cũng có chuyến thăm tương tự...

Việc Mỹ tăng cường tiếp cận Kazakhstan khiến Nga phải lo lắng bởi hai nước có chung đường biên giới hơn 7.600 km, dài thứ hai trên thế giới, chỉ sau biên giới Mỹ-Canada. Một sự chuyển hướng chính sách của Nur-Sultan, nếu có, sẽ là điều khiến Moscow hết sức đau đầu.

Không chỉ có các cường quốc tìm cách lôi kéo Trung Á mà các quốc gia lân cận cũng tích cực tiếp cận để tìm kiếm những lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế cho chính mình.

Chính quyền Iran coi tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á là "chính sách chiến lược", một trụ cột của "nền kinh tế kháng chiến" nhằm giảm khả năng Iran bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tehran đã tăng cường hợp tác xây dựng các tuyến đường sắt Nam-Bắc kết nối Iran-Turkmenistan-Kazakhstan, đồng thời phát triển tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Nga đi Ấn Độ qua Iran, xây dựng tuyến vận tải thay thế tới Nam Á cho Nga, mở ra một lỗ hổng trong bức tường trừng phạt của phương Tây đối với Moscow...

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tranh thủ tình hình xung đột Ukraine để mở rộng ảnh hưởng. Liên tục trong hai tháng 3 và tháng 5/2022, Thổ Nhĩ Kỳ ký Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với Uzbekistan và Kazakhstan, trong đó có điều khoản xây dựng một nhà máy chế tạo máy bay không người lái Anka ở Kazakhstan...

Xung đột Nga-Ukraine đã biến Trung Á từ một địa bàn trước đây ít người để ý thành bàn cờ chiến lược, có những biến động xô lệch với sự xuất hiện của những tay chơi mới, những tham vọng mới.