Những năm trước, với địa hình chia cắt, đất rộng, người thưa, việc đầu tư các khu đô thị ở Bắc Kạn được xem là rủi ro đối với các nhà đầu tư, thì nay ở các huyện, thành phố liên tục xuất hiện các đề xuất đầu tư mới.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, riêng đối với lĩnh vực bất động sản, hiện tỉnh đã chấp thuận cho 5 nhà đầu tư thực hiện tài trợ quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới tại thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn. Hiện tại, nhiều khu đô thị đã được một số nhà đầu tư lớn đăng ký thực hiện. Đơn cử như Khu dân cư sau đồi Tỉnh ủy do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng; Dự án đầu tư khu dân cư thương mại và chợ Nguyễn Thị Minh Khai do Công ty Cổ phần Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 129 tỷ đồng; Dự án khu dân cư Đức Xuân 4 giai đoạn 1 do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư phát triển bất động sản TNR Holdings VN và Công ty cổ phần bất động sản HANO-VID làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 97 tỷ đồng...
Ngoài ra, các dự án như Khu đô thị Bắc Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư đô thị tại Tổ 1A và 2A, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể; Khu dân cư đô thị tại tổ Xây Dựng và tổ Pá Danh, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn... đang hoàn thiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư.
Thủy điện là lĩnh vực cũng có bước tăng trưởng đột biến so với những năm trước đây. Theo Sở Công thương Bắc Kạn, tính đến tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp xin thực hiện 11 dự án thủy điện nhỏ ở các huyện Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể. Trong đó, có một số dự án đã trình UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, như: thủy điện Nặm Cắt 2, thủy điện Mỹ Thanh; thủy điện Khuổi Thốc; thủy điện Pác Nặm...
Lĩnh vực du lịch của Bắc Kạn cũng liên tục nhận được các đề xuất tài trợ quy hoạch ở các khu du lịch trọng điểm hồ Ba Bể và các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới. Trong đó, nhiều dự án hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho các địa phương vốn đang rất khó khăn trong phát triển kinh tế.
Tại 2 xã đặc biệt khó khăn là Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn) và Đồng Phúc (huyện Ba Bể), Công ty CP Tập đoàn Trường Thành cam kết tài trợ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 chuỗi du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm Bắc Kạn. Nếu được triển khai đây sẽ là khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf.
Một số nhà đầu tư lớn khác cũng cam kết tài trợ quy hoạch, đầu tư dự án và Bắc Kạn có thể sẽ có 4 sân golf, 2 đến 3 khu du lịch tầm quốc gia, trở thành điểm đến du lịch mới.
Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn, Hoàng Hà Bắc cho biết, khắc phục tình trạng thiếu mặt bằng đất sạch, từ năm 2021, Bắc Kạn triển khai đầu tư vốn ngân sách xây dựng 4 cụm công nghiệp ở các vị trí thuận lợi. Hiện tại, cụm công nghiệp Huyền Tụng (TP Bắc Kạn) đang thi công có quy mô rộng 16 ha, tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Cụm công nghiệp này sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 2/2022 nhưng hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư mong muốn “đặt chỗ”. Từ năm 2022, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Vằng Mười (huyện Na Rì), Chu Hương (huyện Ba Bể) và Nam Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Du lịch ONSEN FUJI đầu tư Cụm công nghiệp Quảng Chu (huyện Chợ Mới) với quy mô hơn 74 ha, tổng mức đầu tư hơn 456 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Nhựa đường Dầu khí Việt Nam đầu tư Cụm công nghiệp Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông), có quy mô 43 ha, với số vốn đầu tư hơn 421 tỷ đồng. Khi các cụm công nghiệp này hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất lớn, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Bước tiến trong cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông được cho là nguyên nhân chính thu hút đầu tư vào Bắc Kạn thời gian qua. Hiện tại, Trung ương quyết định đầu tư xây dựng đường cao tốc từ Chợ Mới tới TP Bắc Kạn và đường du lịch từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đã tạo những động lực rất lớn ngay từ khi mới có chủ trương đầu tư những tuyến đường này. Hiện tại, 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn cũng đã cùng đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Kạn đi Cao Bằng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, từ đầu năm tới nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn hơn 1.100 tỷ đồng; đang thẩm định 10 dự án với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng và có 20 doanh nghiệp chấp thuận tài trợ quy hoạch, nghiên cứu dự án. Con số này nếu so với kết quả thu hút đầu tư những năm qua của Bắc Kạn, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là một bước đột phá. Các lĩnh vực đầu tư cũng đa dạng hơn rất nhiều, bởi những năm trước hầu hết các dự án vào Bắc Kạn tập trung vào lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có thể khẳng định, so với những năm trước, thu hút đầu tư vào Bắc Kạn đã có những bước tiến lớn. Nếu như không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nhiều dự án đã có thể triển khai sớm. Để “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư, Bắc Kạn đã ban hành Quy chế phối hợp xúc tiến đầu tư; Sổ tay hướng dẫn quy trình, thủ tục đầu tư vào tỉnh; đẩy mạnh cải cách hành chính. Tỉnh tiếp tục xuất bản cuốn Bắc Kạn tiềm năng và cơ hội đầu tư bằng tiếng Việt và tiếng Anh để xúc tiến đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.