Bài 1: Bức tranh toàn cảnh
Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Samsung... Các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường trong nước mở rộng nhanh chóng.
Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, các địa phương đang tập trung cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số...
Những tín hiệu tích cực
Sự đột phá về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với định hướng, khơi thông nguồn lực, tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước đây, thành phố chú trọng thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán lẻ, công nghiệp dệt may, da giày... thì hiện nay đã chuyển dịch sang các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Sự tăng trưởng dòng vốn FDI của Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện kết quả đột phá trong những năm gần đây. Đặc biệt, khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố (Nghị quyết 98) có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 đã tạo nhiều chuyển biến về thu hút dòng vốn FDI. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư đã tìm hiểu môi trường đầu tư, lĩnh vực ưu tiên, dự án mời gọi đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tám tháng năm 2023, dòng vốn FDI đạt 390 triệu USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2022. Thành phố cũng ghi nhận 762 dự án FDI mới trong khoảng thời gian này, tăng 59,1% so với 479 dự án của cùng kỳ năm 2022. Đến nay, thành phố có hơn 12 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 82 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước.
Thành phố xác định hướng thu hút đầu tư FDI ưu tiên công nghệ cao, nền tảng số, công nghệ số; phát triển, ứng dụng công nghệ để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, năng lượng mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và môi trường... Định hướng nêu trên cùng với hàng loạt nghị quyết mới, đặc biệt là Nghị quyết 98 kỳ vọng tạo nên nhiều cơ hội mới bứt phá, dự báo làn sóng đầu tư FDI mới vào Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Intel, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi Nghị quyết 98 được triển khai, nhiều nút thắt về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đã được tháo gỡ. Đó là những kiến nghị thủ tục liên quan đến hoạt động xây dựng, phòng cháy chữa cháy, tái đầu tư hạ tầng đường, điện, y tế... Đối với các vướng mắc của Tập đoàn Intel, thành phố đã lập riêng một tổ công tác để tập trung giải quyết, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Ở tỉnh Nghệ An, sự đầu tư của doanh nghiệp FDI đến từ 15 quốc gia tại châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, những quốc gia thuộc EU và Bắc Mỹ như Pháp, Đức, Canada, Mỹ; đã bắt đầu hình thành. Hiện Nghệ An đang giúp doanh nghiệp có lượng vốn FDI lớn yên tâm hoạt động sản xuất, tạo ra nhiều lợi nhuận cũng như đóng góp lớn hơn vào ngân sách của tỉnh. Lượng vốn FDI tăng đều tại Nghệ An những năm vừa qua sẽ giúp cho sự hội nhập quốc tế trở nên thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, các lĩnh vực mà doanh nghiệp FDI hoạt động chủ yếu tại Nghệ An là công nghệ chế biến, chế tạo. Điều này giúp gia tăng mức độ đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng như định hướng chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa.
Để cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị là các yếu tố quan trọng. Tỉnh cũng tích cực huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, kết nối miền tây Nghệ An với miền xuôi và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Việt Nam có hơn 38 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 453 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Việt Nam đã bước đầu đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao như Intel, Samsung... Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường trong nước mở rộng nhanh chóng.
Cùng với đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư FDI như: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Luật CGCN năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt; Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030...
Các quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nhưng còn nhiều thách thức
Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước là mục tiêu cao nhất khi thu hút đầu tư FDI nhưng nhìn lại 30 năm thu hút FDI thì dường như không thay đổi. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam những năm qua chỉ tạo ra tác động lan tỏa giữa các doanh nghiệp cùng ngành.
Thông thường lan tỏa qua 4 kênh như: các doanh nghiệp nội địa copy được công nghệ của doanh nghiệp FDI; chuyển dịch lao động từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước, người lao động mang theo kỹ năng, công nghệ vào doanh nghiệp trong nước; sức ép cạnh tranh đầu vào và đầu ra với các FDI có xu hướng xuất khẩu, điều này buộc doanh nghiệp trong nước phải thay đổi công nghệ vì sức ép; kênh liên kết dọc, liên kết ngang giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay sau khi Luật Công nghệ cao năm 2008 được Quốc hội thông qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Cho đến thời điểm này, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để thúc đẩy phát triển công nghệ cao đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, có thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận cũng như làm chủ công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh.
Một trong những cái “khó” lớn nhất là về nguồn vốn vì đầu tư, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, trong khi đó 98% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ. Hơn nữa lĩnh vực này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi chúng ta vẫn thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro...
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù có 386 lượt dự án đang hoạt động đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5%) nhưng tổng vốn tăng thêm chỉ đạt 1,66 tỷ USD, giảm đến 68,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bởi lẽ việc sụt giảm vốn điều chỉnh mở rộng phần nào cũng thể hiện những doanh nghiệp đầu tư đang hoạt động có thể cũng đang gặp khó khăn. Mặt khác, các nhà đầu tư hiện hữu vẫn đang lo lắng để tiếp tục tăng vốn, mở rộng đầu tư. Do bị sụt giảm mạnh vốn điều chỉnh của doanh nghiệp đang hoạt động, nên đã kéo vốn ngoại chung cam kết bị sụt giảm theo.
Thách thức tiếp theo là khâu xử lý các thủ tục hành chính ở một số địa phương hiện có xu hướng chậm lại và các quy trình có chiều hướng phức tạp hơn... Trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 của VCCI và USAID, các doanh nghiệp FDI vẫn gặp khó khăn đáng kể khi thực hiện thủ tục thuế (27%) và phòng cháy chữa cháy (21%). Mặt khác, môi trường đầu tư còn thiếu tính ổn định; vẫn còn nhiều điểm bất cập, thiếu bền vững, sức cạnh tranh với các nước trong cùng khu vực còn thấp... Việc chưa đáp ứng được nhu cầu về công nghệ cao, năng lượng, tài chính đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng.
Thuế tối thiểu toàn cầu được dự báo tác động tới hầu hết tập đoàn đa quốc gia, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Đối với Việt Nam, việc thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
(Còn nữa)