Thu hẹp khoảng cách số, tăng cường hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia

NDO - Thu hẹp khoảng cách số và tăng cường ứng dụng công nghệ để hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là cần thiết để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Học sinh vùng cao Điện Biên thực hành tin học. (Ảnh: VOV)
Học sinh vùng cao Điện Biên thực hành tin học. (Ảnh: VOV)

Sự phát triển của công nghệ số có những tác động mạnh mẽ tới đời sống, kinh tế, xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật, và người lao động di cư vẫn gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ số, dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình đóng góp ý kiến chính sách và quy định phù hợp để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho tất cả người dân.

Đây là thông tin nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Nghiên cứu và hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA), Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN), Trung tâm Phát triển và hội Nhập (CDI), và Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội.

Báo cáo cung cấp những phát hiện cụ thể về thực trạng chuyển đổi số và và sự tham gia góp ý chính sách của 3 nhóm đối tượng: Người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người lao động di cư.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù chuyển đổi số đã và đang đem đến những thay đổi đáng kể trong cuộc sống, nhưng các nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và lao động di cư tham gia vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số.

Thu hẹp khoảng cách số, tăng cường hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia ảnh 1

Đại diện người khuyết tật chia sẻ về ứng dụng công nghệ số cho các nhóm dễ bị tổn thương tại Tọa đàm “Công nghệ số vì những điều tốt đẹp”, Hà Nội, ngày 29/11/2024.

Nhìn chung, 3 nhóm đối tượng nêu trên đều đã cơ bản tiếp cận được dịch vụ cung cấp Internet (qua các gói 3G/4G/5G của các nhà mạng hoặc mạng wifi tại gia đình và nơi công cộng), và các thiết bị điện tử cần thiết để truy cập mạng (phổ biến nhất là điện thoại thông minh).

Theo IPS, điều này đem lại nhiều thuận lợi, giúp người dân có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao năng lực để phát triển kinh tế, tăng cường hiệu quả công việc, mở rộng và duy trì các mối quan hệ.

Trong đó, mạng xã hội là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất, đứng thứ 2 là các ứng dụng ngân hàng. Hơn 50% số người lao động di cư được hỏi đều đã cài đặt các ứng dụng do các cơ quan chức năng xây dựng như VNEID, VSSID vì cảm thấy cần thiết nhưng tần suất sử dụng thấp.

Mặc dù đã có nỗ lực từ phía chính quyền như giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực số cho người dân; tuyên truyền chính sách; cung cấp trang thiết bị hay mạng Internet miễn phí tại các vùng khó khăn nhưng báo cáo vẫn ghi nhận một số điểm khó khăn phổ biến đối với 3 nhóm trên trong việc tiếp cận công nghệ số.

Cụ thể, kết nối Internet không ổn định, giá các gói mạng còn cao so với thu nhập của người khuyết tật và dân tộc thiểu số.

Rào cản ngôn ngữ và thiếu phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu là trở ngại lớn đối với người dân tộc thiểu số và người khuyết tật trong việc tiếp cận thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng Internet.

Thiếu trợ năng và công cụ hỗ trợ như trình đọc màn hình,... đối với người khuyết tật, khiến họ khó sử dụng các ứng dụng phổ biến như ngân hàng số, dịch vụ công trực tuyến với nhiều lớp bảo mật.

Để đóng góp ý kiến cho chính sách chuyển đổi số, người tham gia cần phải có nền tảng hiểu biết nhất định về vấn đề này. Tuy nhiên, nhận thức của 3 nhóm đối tượng về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ.

Thu hẹp khoảng cách số, tăng cường hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia ảnh 2

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Công nghệ số vì những điều tốt đẹp”.

Bởi các trở ngại nêu trên, việc tiếp cận thông tin chính sách, các trang thông tin điện tử có liên quan trực tiếp tới chuyển đổi số, trang nền tảng học trực tuyến miễn phí,... hay các tài nguyên giáo dục về chuyển đổi số khác cũng chưa được tuyên truyền đến từng đối tượng người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hay người lao động di cư với sự hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu đặc thù của từng nhóm.

Báo cáo cũng chỉ ra hơn 60% người được phỏng vấn không biết tới các chính sách hỗ trợ người khuyết tật hay đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và các chính sách liên quan tới chuyển đổi số nói riêng.

Có tới 57% người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số chưa từng tham gia đóng góp ý kiến các chính sách hỗ trợ liên quan tới chuyển đổi số. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là “không biết gì để góp ý, không quan tâm hoặc không nắm được thời gian, cách thức góp ý”.

Như vậy, theo IPS, cộng đồng yếu thế như người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số hay người lao động di cư đã có sự tiếp cận và hiểu biết cơ bản về chuyển đổi số nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện số hóa và đóng góp ý kiến chính sách do công nghệ số phức tạp và tiềm ẩn rủi ro lừa đảo, thiếu các trang thiết bị ở các bản vùng sâu, vùng xa.

Từ thực tế này, IPS đề xuất khuyến nghị bao gồm: Hỗ trợ các gói mạng đặc thù cho từng nhóm đối tượng; thực hiện tập huấn kiến thức liên quan đến chuyển đổi số, các kỹ năng để bảo đảm an toàn khi sử dụng công nghệ số; xây dựng các chính sách và quy định phù hợp để bảo đảm không bỏ lại ai phía sau trong công cuộc số hóa của quốc gia.