Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của tổ công nghệ số cộng đồng, chị Tằng Thị Múi ở thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà đã sử dụng thông thạo điện thoại thông minh vào mạng internet để liên lạc với người thân, đọc báo, giao dịch, đăng ký các thủ tục hành chính. Chị Múi chia sẻ: Được hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, thay vì phải đến tận nơi để giải quyết công việc thì bây giờ chỉ cần vào mạng internet là trao đổi và xử lý công việc rất nhanh, tiết kiệm thời gian, công sức. Nhờ ứng dụng công nghệ số, sản phẩm củ cải muối của gia đình tôi đăng bán trên trang Facebook, Zalo đã thu hút được nhiều người mua, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm đến với nhiều người hơn.
Trên cương vị là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân, đồng thời cũng là tổ trưởng tổ công nghệ số của thôn, nay anh Voòng A Tài không phải đi đến từng nhà dân để tuyên truyền mà chỉ cần đăng tải thông tin trên trang Facebook và nhóm Zalo đã lập. Anh Tài cho biết: Các thông tin của tôi đưa lên được nhiều người theo dõi và chia sẻ, truyền tải đến người dân những thông tin về chủ trương của huyện, xã một cách nhanh chóng và kịp thời. Các thành viên trên nhóm Zalo còn thảo luận, chia sẻ, phản hồi ý kiến. Nhiều sự việc sau khi được người dân góp ý đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, huyện Đầm Hà đẩy mạnh chuyển đổi số tại các thôn, bản, trong đó có thôn Đầm Buôn được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình thôn thông minh, người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin, từng bước hình thành xã hội số. Đến nay hầu hết số hộ gia đình trong thôn đều sử dụng điện thoại thông minh và biết cách cài đặt các ứng dụng để sử dụng. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho thôn tổ chức tốt các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và tình hình an ninh trật tự trong thôn.
Hiện nay tất cả các xã, thị trấn của huyện Đầm Hà đã lắp đặt camera giao thông, hệ thống mạng wifi tại các nhà văn hóa thôn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; phát triển các dịch vụ công trực tuyến, thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số của huyện.
Một trong những nét nổi bật trong chuyển đổi số của Ba Chẽ phải kể đến việc phát triển thương mại điện tử. Đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện tham gia mua sắm trực tuyến, tham gia các hoạt động thương mại điện tử đạt 53,6%. Toàn huyện có 14 sản phẩm OCOP sử dụng mã số, mã vạch, dán mã QR, 100% cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; 97/148 hộ kinh doanh tại chợ trung tâm đã được hướng dẫn và thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các ứng dụng ngân hàng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Thời gian qua, huyện đã nỗ lực thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số; từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.
Lợi ích từ chuyển đổi số đã đi vào nhận thức, hành động của người dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại, liên hoàn, quy trình sản xuất khép kín, tiếp cận và phát huy thương mại điện tử, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo nên những nông dân năng động, nông thôn hiện đại, trù phú, thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn.
Không chỉ hỗ trợ trong phát triển sản xuất, kinh doanh mà chương trình chuyển đổi số cũng đang là “đòn bẩy” quảng bá sản vật, đặc sản truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình du lịch sinh thái tại thác Khe San ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên hiện nay đã được nhiều du khách biết đến. Anh Trần Văn Mạ, quản lý Khu du lịch sinh thái thác Khe San chia sẻ: Từ khi Đoàn Thanh niên thôn hướng dẫn chúng tôi lập fanpage để quảng bá, giới thiệu phong cảnh, cũng như các dịch vụ tại thác Khe San, đã giúp thu hút khách đến đây ngày càng nhiều. Vào mùa hè, mỗi ngày chúng tôi đón hàng trăm lượt khách đến vui chơi, trải nghiệm.
Các mô hình thôn, xã thông minh đang triển khai tích cực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách giàu-nghèo giữa miền núi, nông thôn và thành thị. Nhờ có các mô hình thôn, xã thông minh người dân ngày càng được tiếp cận với những tiện ích về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.