Thông tin về đàn bò tót lai F1 ở Ninh Thuận

NDO -

Những ngày gần đây, dư luận quan tâm đến chuyện đàn bò tót lai F1 đang được nuôi tại Trại khảo nghiệm Phước Bình, xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) bị đói ăn, gầy trơ xương.

Đàn bò tót lai F1 đang nuôi nhốt tại Trại khảo nghiệm trong quá trình thực hiện dự án 
Đàn bò tót lai F1 đang nuôi nhốt tại Trại khảo nghiệm trong quá trình thực hiện dự án 

Ngày 2-10, phóng viên Nhân Dân điện tử đến Trại khảo nghiệm Phước Bình để tìm hiểu câu chuyện đàn bò tót lai F1 11 con ở đây bị thiếu ăn, dẫn đến gầy trơ xương.

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Ðồng, cho biết, dự án “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Lâm Ðồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa” kết thúc vào tháng 6-2019. Trong quá trình thực hiện đề tài, dự án được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí 2,5 tỷ đồng, hai Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng đóng góp 700 triệu đồng để thực hiện.

Sau khi kết thúc đề tài, đã nghiệm thu. Tuy nhiên, việc bàn giao đàn bò tót lai F1 không được thuận lợi về thủ tục, nhưng với nhiệm vụ làm khoa học, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Ðồng vẫn tiếp tục chi khoảng 300 triệu đồng để mua thức ăn cho đàn bò.

Trách nhiệm với đàn bò tót lai F1 ở Ninh Thuận -0
Đoàn cán bộ Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận kiểm tra và đánh giá thể chất đàn bò tót lai F1 đang nuôi nhốt tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái vào ngày 2-10. 

Việc đàn bò có những con bị gầy là do trong quá trình nuôi nhốt, mặc dù có tách riêng những con bò lớn và bò nhỏ, nhưng những con bò lớn đã nhảy sang chuồng khác và giành lấy thức ăn, khiến cho những con bò nhỏ không đủ sức cạnh tranh thức ăn, dẫn đến thể chất bị gầy yếu.

Ngay sau khi dư luận phản ánh, chúng tôi đã đến tận nơi và xác định cách đây khoảng nửa tháng, con bò đầu đàn đang nuôi nhốt đã nhảy sang các chuồng khác cạnh tranh thức ăn, nên đã triển khai biện pháp tách riêng và nuôi nhốt cẩn thận. 

Ông Nguyễn Như Chương, cho biết thêm, mặc dù đã hết kinh phí thực hiện khi kết thúc dự án, nhưng với trách nhiệm của đơn vị chủ trì dự án, từ tháng 6-2019 đến nay, hàng tháng, chúng tôi đều cử bác sĩ thú y đến theo dõi, tiêm phòng; cung cấp 200 cuộn rơm (20kg/cuộn), thức ăn tinh… cho đàn bò và có ghi nhật ký, nên đàn bò vẫn đủ thức ăn, chứ không phải thiếu đói như một số dư luận phản ánh.Cách đây hai tháng, đích thân ông áp tải 800 kg cám đến tận nơi.

Trách nhiệm làm khoa học của chúng tôi là luôn bảo đảm cho nguồn gien quí hiếm này. Trong thời gian này, nếu có con bò lai F1 nào đó bị chết, tôi là người chịu trách nhiệm, vì trước khi bàn giao cho đơn vị mới, thì phải bảo đảm đàn bò phải khỏe mạnh.

Đồng thời, ông Chương khẳng định, có khoảng 50% con bò nhỏ bị gầy yếu là do không đủ sức mạnh để cạnh tranh thức ăn trong quá trình nuôi nhốt gần với những con bò lớn, dẫn đến bị thiếu ăn, ảnh hưởng đến thể chất. Mỗi ngày, một con bò ăn từ 30-40kg thức ăn là bảo đảm nguồn dinh dưỡng.

Tiếp đó, ông Chương cho hay, đơn vị chúng tôi là cơ quan hoạt động sự nghiệp, nên không có đủ kinh phí để tiếp tục nuôi dưỡng đàn bò, cho nên việc bàn giao lại đàn bò tót lai F1 cho Vườn quốc gia Phước Bình để tiếp tục nuôi dưỡng là phù hợp theo hướng dẫn của Nghị định số 70.

Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Thuận và Vườn quốc gia Phước Bình cũng đã có công văn xin tiếp nhận, nên vào ngày 5-10, sẽ hoàn tất việc bàn giao. Nhưng, đơn vị tiếp nhận cần có bố trí diện tích đất rộng khoảng ba ha để trồng cỏ và làm chuồng trại rộng rãi, khuôn viên nuôi tháng đãng, cho đàn bò có không gian sinh hoạt giống môi trường tự nhiên thì đàn bò sẽ sinh trưởng tốt.

Tại hiện trường, đoàn công tác của Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận đã kiểm tra và xác nhận, trong số 11 con, có năm con sức khỏe rất tốt, những con còn lại nhìn bề ngoài cho thấy thể chất gầy là do bị những con bò lớn giành lấy thức ăn, các con bò nhỏ không có đủ thức ăn, nên gầy.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Nhân Dân điện tử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Ðặng Kim Cương cho biết,  trước mắt, Vườn quốc gia Phước Bình sẽ tạm ứng kinh phí để vỗ béo lại đàn, chăm sóc y tế cho đàn bò. Sau khi có quyết định tiếp nhận từ Lâm Ðồng, Sở sẽ bàn bạc lại với những đơn vị liên quan có kế hoạch lâu dài trong việc chăm sóc, sử dụng nguồn gien quý hiếm của đàn bò này.

Theo ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, sau khi tiếp nhận, nếu có kinh phí tốt để chăm sóc đúng kỹ thuật, thì khoảng sáu tháng sau, đàn bò tót lai F1 mới có khả năng phục hồi lại thể chất.