Thống nhất điều chỉnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Chiều 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội…

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch hiệu quả, linh hoạt hơn thời gian tới; nêu rõ, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC) nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.

Thủ tướng nêu rõ, qua ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất điều chỉnh bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B; đây là thời khắc hết sức quan trọng, do đó yêu cầu thực hiện việc tuyên bố hết dịch theo quy định của pháp luật vì liên quan các thủ tục, cơ chế, chính sách, điều khoản chuyển tiếp…; việc điều chỉnh phòng chống bệnh dịch từ nhóm A sang nhóm B thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; cùng với đó, chúng ta phải nghiên cứu kỹ 7 khuyến cáo của WHO đối với Việt Nam trên tinh thần không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch mới.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Điều này là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, cụ thể là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Quốc hội, các cơ quan nhà nước luôn đồng hành; Chính phủ tổ chức chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, toàn diện, huy động được sức mạnh của nhân dân, doanh nghiệp, đặc biệt sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng khẳng định, đây là thắng lợi của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta đã mở cửa nền kinh tế sớm từ ngày 11/10/2021 với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.

Việc mở cửa sớm đúng, phù hợp tình hình, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh thành công, đại dịch làm đất nước ta phải gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh, đặc biệt là làm hơn 42 nghìn người thiệt mạng, trong đó có nhiều nhân viên y tế, cán bộ chiến sĩ lực lượng quân đội, công an…

Thống nhất điều chỉnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 20 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi, chia sẻ đến các gia đình có người thân bị mất do Covid-19, đặc biệt các gia đình có người tham gia nhiệm vụ chống dịch; gửi lời cảm ơn đến toàn thể nhân dân, lực lượng y tế, các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam vượt qua đại dịch.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua đại dịch này, chúng ta cũng rút ra nhiều bài học trong phòng, chống dịch, chỉ đạo, điều hành, đó là luôn đặt tính mạng sức khoẻ của nhân dân lên trên hết, trước hết; phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, có kịch bản ứng phó phù hợp, luôn quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân; điều hành bằng các giải pháp linh hoạt, hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, địa phương…

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, chúng ta phải hoàn thiện thủ tục pháp lý việc công bố hết dịch, chuẩn bị kế hoạch sau đại dịch, Covid-19, hậu quả Covid-19 vẫn còn kéo dài, do đó phải tiếp tục có biện pháp khắc phục; Bộ Y tế có kế hoạch tổng kết chu đáo, để lại bài học chống dịch cho những năm tới nếu có đại dịch tương tự để không bị động, bất ngờ, tăng cường năng lực y tế nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, phòng, chống dịch từ sớm, từ xa; có cách huy động và sử dụng nguồn lực; tiếp tục ổn định đời sống nhân dân, nhất là người chịu tác động trực tiếp của đại dịch; chúng ta tiếp tục kêu gọi cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19.

Thủ tướng đề nghị cần tổng kết, sơ kết, khen thưởng cá nhân, tổ chức; xử lý những cá nhân, tổ chức lợi dụng trong phòng, chống dịch; tăng cường mua sắm vật tư, y tế; giao Bộ Y tế tổng kết trong tháng 6 này; chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; các văn bản pháp luật phù hợp, xử lý các công việc tồn đọng (thanh quyết toán, chế độ chính sách…); xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch Covid-19, trong đó sẵn sàng các điều kiện cần thiết ứng phó đại dịch khác có thể xảy ra, dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại; tiếp tục tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 phù hợp, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao trên cơ sở đánh giá miễn dịch cộng đồng; nghiên cứu việc tiêm vaccine phòng Covid-19 hằng năm trong chương trình tiêm chủng mở rộng…

Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tình hình dịch bệnh, công bố hết dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định; Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan xử lý các nguồn lực trong phòng, chống dịch, tăng cường phòng, chống tham nhũng; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội; coi trọng công tác tuyên truyền; tiếp tục vận động, tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; tôn vinh những người có công trong phòng, chống dịch; thăm hỏi động viên những gia đình có người thân bị mất do Covid-19, chăm lo cho các cháu mồ côi, giải quyết kịp thời các chế độ chính sách đối với lực lượng vũ trang tham gia chống dịch Covid-19…

Thủ tướng nêu rõ từ thời điểm này, Ban Chỉ đạo sau 20 kỳ họp đã hoàn thành nhiệm vụ, sẽ được kiện toàn cho phù hợp tình hình mới.