Diễn đàn chủ nhật

Thói trịch thượng và a dua trên mạng xã hội

Lên mạng xã hội thời gian gần đây, không khó để thấy những dòng trạng thái kèm theo hình ảnh bị chủ “tút” (facebooker) đưa lên chê bai, mỉa mai, lên án một hay nhiều cá nhân. Nạn nhân có thể là ca sĩ, diễn viên, người mẫu, người đẹp, cầu thủ bóng đá…, đã vô tình để xảy ra tình huống hớ hênh trên sân khấu, lúc thi đấu hay trong sinh hoạt; những sơ suất trong lời nói hay hành động của một nhân vật quan trọng hoặc người của công chúng. Thậm chí, có những người thường xuyên thể hiện sự trịch thượng, “chỉ bảo” cơ quan này, tổ chức kia phải làm thế này, thế khác bằng thái độ hết sức chủ quan, lố bịch.
0:00 / 0:00
0:00

Nội dung các dòng trạng thái có thể do người viết trực tiếp chứng kiến sự việc, nhưng cũng có thể là sao chép từ một nguồn thông tin (nhiều trường hợp chưa được kiểm chứng) rồi đem nhân bản với tốc độ chóng mặt; từ đó đưa ra những nhận xét tiêu cực, suy diễn, áp đặt ý kiến chủ quan. Tiêu cực hơn họ còn yêu cầu người này, người kia phải từ chức, trả lại giải thưởng, danh hiệu.

Còn nhớ cách đây không lâu, một cô hoa hậu vì có những hành xử non nớt và phát ngôn thiếu hiểu biết đã bị nhóm antifans lên đến hơn 600 nghìn thành viên “ném đá” tơi bời. Cho dù nạn nhân lên mạng khóc xin lỗi và sau đó bị sa vào trạng thái trầm cảm, thì cũng vẫn không được buông tha.

Gần đây nhất là việc đánh trống trong ngày khai giảng năm học mới, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều dòng trạng thái thiếu trách nhiệm cùng những suy diễn không thiện chí, khiến nhiều người bị tổn thương, còn đối tượng hoang mang nhất lại chính là giáo viên và các em học sinh trong những cơn “lên đồng” của người lớn. Người viết bài này tự hỏi những facebooker kia có con cái là học sinh hoặc người thân đang công tác trong ngành giáo dục hay không, và họ sẽ nghĩ gì về nền giáo dục mà họ đang được thụ hưởng?

Đáng ngại hơn là từ vài dòng trạng thái cá nhân, không ít tài khoản trên mạng hùa theo thiếu khách quan, thậm chí đổ thêm dầu vào lửa bằng những bình luận ác ý, thậm chí mạt sát nạn nhân. Hễ ai nói trái ý của họ thì người ấy lập tức trở thành nạn nhân “thứ cấp” chịu búa rìu và “gạch đá” của đám đông kia. Còn nếu có người chỉ ra các dẫn chứng ngược chiều quan điểm trong những dòng trạng thái, thì các chủ “tút” không chịu đánh giá lại, đôi khi còn tỉnh bơ bao biện.

Đáng chú ý là một số tờ báo thay vì có tiếng nói khách quan, công bằng thì lại “đu” theo xu hướng giật gân, viết bài chiều thị hiếu đám đông để câu view. Đây rõ ràng là một hiện tượng không bình thường trên mạng xã hội khi mặt trái, mặt tiêu cực được nói đến thì lập tức có nhiều người hùa theo, thậm chí là dễ tin hơn khi nghe nói về những gương người tốt, việc hay.

Những hành động thiếu chuẩn mực hoặc chỉ phê phán một chiều chính là mặt trái của mạng xã hội hiện nay. Những hiện tượng trên quả thực rất đáng lo ngại về tinh thần xã hội, văn hóa ứng xử, đạo đức, tính thiện. Không biết từ đâu và từ bao giờ, một bộ phận cộng đồng đã thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống; đánh mất đi lòng nhân từ, sự bao dung, vị tha trước những lầm lỗi; đánh mất đi tinh thần xây dựng, sự tỉnh táo, chính trực trước sự việc, hiện tượng cần phải tìm hiểu thấu đáo trước khi phát ngôn trên mạng xã hội?

Vì vậy, người lên mạng xã hội, đặc biệt là những người có uy tín và có ảnh hưởng nghề nghiệp nhất định trong xã hội, cần nghiêm túc tự kiểm soát cái tôi chủ quan, tham gia có trách nhiệm trong môi trường số. Với những người cố tình xúc phạm, bôi nhọ cá nhân/tổ chức cần bị lên án và các cơ quan chức năng cần vào cuộc để có hình thức xử lý đúng quy định pháp luật.