Khi quyết định lựa chọn ông Masoud Pezeshkian, một người theo chủ nghĩa cải cách vào ghế Tổng thống, người dân Iran mong đợi những giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế đất nước. Trong đó, được kỳ vọng hơn cả là cách tiếp cận mang lại nhiều lợi ích hơn từ nhà lãnh đạo Iran đối với thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Thực tế, trong chiến dịch thuyết phục cử tri trước bầu cử, ông Pezeshkian nhiều lần nhấn mạnh quyết tâm theo đuổi các nỗ lực ngoại giao nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, giúp tháo gỡ các biện pháp trừng phạt và mang lại động lực cần thiết cho nền kinh tế.
Để hiện thực hóa những cam kết tranh cử, tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian ngay lập tức “xắn tay vào việc”. Trước lễ nhậm chức cuối tháng 7 vừa qua, nhà lãnh đạo Iran điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trao đổi về việc khôi phục JCPOA. Tổng thống Pezeshkian cũng đề cử ông Abbas Araghchi, chuyên gia đàm phán hạt nhân có tiếng của Iran, vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao nước này. Ngày 11/8 vừa qua, ông Pezeshkian cũng điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, nhấn mạnh duy trì lòng tin và bảo vệ lợi ích chung là cơ sở cho thỏa thuận.
Lập trường của Iran là rõ ràng. Tehran sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trong khuôn khổ thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh, việc tất cả các bên thực hiện các cam kết đã đưa ra trước đó, kèm việc chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Tehran là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp theo. Đáp lại thiện chí của Iran, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ mong muốn nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân, đồng thời hy vọng, Liên minh châu Âu (EU) và Iran có thể tương tác hiệu quả hơn dựa trên quan điểm bảo vệ lợi ích chung và xóa bỏ các “bức tường” cản trở mở rộng hợp tác.
Iran ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) tháng 7/2015, theo đó Tehran nhất trí hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, tháng 5/2018, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Iran, khiến Tehran từ bỏ một số cam kết hạt nhân theo thỏa thuận. Nhờ nỗ lực của nhiều bên, các cuộc đàm phán về việc khôi phục JCPOA được khởi động vào tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo. Trải qua nhiều vòng “nhấc lên, đặt xuống”, đàm phán vẫn chưa đạt đột phá như kỳ vọng.
Trong bối cảnh triển vọng hồi sinh JCPOA vẫn còn mong manh, ông Masoud Pezeshkian bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Iran với nhiều quyết định mang tín hiệu tích cực, nhằm chứng tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Dù vậy, xung đột tại Trung Đông leo thang, cùng bối cảnh chính trị hiện nay tại Mỹ với cuộc bầu cử tổng thống khó đoán định, khiến các nỗ lực làm sống lại JCPOA vấp phải nhiều thách thức lớn.
Để vực dậy nền kinh tế trong nước vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, Tehran nhấn mạnh giải pháp nối lại đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tình hình chính trị hiện nay ở Xứ Cờ hoa khiến khả năng Washington sớm trở lại đàm phán là không mấy lạc quan. Một mặt, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden còn nhiều vấn đề cần ưu tiên xử lý trong quan hệ với Trung Quốc và Nga. Mặt khác, bất kỳ cuộc đàm phán nào với Iran đều có thể gây tranh cãi nội bộ chính trường Mỹ khi mà cuộc đua vào Nhà trắng bước vào giai đoạn nước rút.
Tiến triển trong đàm phán về JCPOA khó có thể đạt được trước khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra tháng 11 tới đây. Một số kịch bản đã được đưa ra. Nếu đảng Dân chủ duy trì quyền lãnh đạo, một chính quyền tiềm năng của bà Kamala Harris được cho là có thể xem xét về triển vọng đàm phán với Tehran, thậm chí ngay trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Ngược lại, kịch bản cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà trắng có thể mang lại nhiều rủi ro hơn cho các cuộc đàm phán hạt nhân, khi ông Trump nhắc lại yêu cầu Iran nhượng bộ cho bất kỳ thỏa thuận mới nào khác.
Chưa kể, xung đột giữa Israel và phong trào Hamas kéo theo căng thẳng trong khu vực làm gia tăng “nhận thức tiêu cực” về Iran trong số các chính trị gia Mỹ. Là đồng minh thân cận nhất của Israel, Mỹ khó có thể theo đuổi các cuộc đàm phán với Iran trong khi tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn trong khu vực. Trước đây, thành công của JCPOA bắt nguồn từ các cuộc đàm phán dài hạn trong giai đoạn khu vực tương đối bình lặng, hoàn toàn trái ngược với môi trường Trung Đông đầy biến động hiện nay.
Rõ ràng, để đạt mục đích liên quan đàm phán hạt nhân, chính quyền Tổng thống Masoud Pezeshkian đứng trước yêu cầu điều hướng để xử lý những vấn đề phức tạp một cách cẩn trọng, thậm chí hiệu chỉnh lại một số chiến lược, trong bối cảnh tương lai của JCPOA còn chịu ảnh hưởng từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và sự ổn định của khu vực Trung Đông.