Phát biểu ý kiến với báo giới bên lề khóa họp 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York (Mỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Catherine Colonna cảnh báo Iran rằng cánh cửa cơ hội sắp đóng lại và không loại trừ khả năng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp người đồng cấp phía Iran Ebrahim Raisi nhằm khai thông tình trạng bế tắc trong đàm phán khôi phục JCPOA.
Đồng quan điểm với Pháp, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, người điều phối các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng cho rằng hiện không có giải pháp nào tốt hơn đề xuất của EU. Tháng trước, ông Borrell đã đề xuất “văn bản cuối cùng” tới tất cả các bên đàm phán. Tuy nhiên, Iran bổ sung yêu cầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kết thúc cuộc điều tra về dấu vết vật liệu hạt nhân tại ba cơ sở của Tehran. Trong khi đó, Mỹ sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, khiến việc đạt thỏa thuận với Iran càng khó khăn hơn. Phát biểu ý kiến với báo giới, ông Borrell cho biết, ông cảm thấy “kém lạc quan” về khả năng sớm cứu vãn thỏa thuận JCPOA vì các bên có lúc gần đạt được nhất trí thì lại có những đề xuất mới.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Iran tiến hành đối thoại nghiêm túc về vai trò của IAEA trong các cuộc đàm phán hạt nhân hiện nay. Ông Guterres cũng khẳng định tính độc lập của IAEA là hiển nhiên và cần phải được duy trì. Hiện, Tehran bác bỏ báo cáo do IAEA công bố đầu tháng 9, kết luận IAEA không thể chứng nhận chương trình hạt nhân của Iran là hoàn toàn vì mục đích hòa bình. Theo báo cáo, Iran đã tiếp tục làm giàu urani trên ngưỡng giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 đề ra, với lượng urani tích trữ cao gấp 19 lần so mức giới hạn trong thỏa thuận. IAEA chỉ trích việc Iran ngắt kết nối 27 camera cho phép các thanh sát viên của cơ quan này giám sát các hoạt động hạt nhân đã cản trở IAEA trong việc xác nhận “bản chất hòa bình” của chương trình hạt nhân của Tehran.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tổ hợp truyền thông CBS mới đây, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định, Tehran sẽ nghiêm túc khôi phục thỏa thuận JCPOA nếu có sự bảo đảm rằng Washington không rút khỏi thỏa thuận này như đã từng làm năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, cũng như nếu các nội dung trong thỏa thuận phù hợp và cân bằng. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ coi đề xuất này là không khả thi.
Điện Kremlin cho rằng, vẫn còn hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận JCPOA. Nga là một trong số sáu quốc gia ký thỏa thuận JCPOA với Iran vào tháng 7/2015 cùng Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức. JCPOA yêu cầu Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Vòng đàm phán mới nhất nhằm khôi phục JCPOA diễn ra tại Vienna (Áo) từ đầu tháng 8, sau 5 tháng đình trệ.
Theo giới phân tích, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Tehran và Washington sớm vượt qua được những bất đồng. Iran vẫn quyết tâm duy trì “lằn ranh đỏ” trong đàm phán hạt nhân. Bộ Ngoại giao Iran cho biết, Tổng thống Ebrahim Raisi yêu cầu giữ vững các “lằn ranh đỏ” do lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đặt ra về dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong khi tiếp tục tiến trình đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, Iran vẫn duy trì giải pháp ngoại giao và để ngỏ khả năng họp bàn nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân bền vững bên lề Khóa họp 77 của Đại hội đồng LHQ.