Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kanaani khẳng định, việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran trong trường hợp đạt được thỏa thuận sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Tehran, mà còn giúp ích cho nền kinh tế và nguồn cung năng lượng toàn cầu, phù hợp với lợi ích của các quốc gia châu Âu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng nhấn mạnh, nước này có thể cung cấp thêm nhiều dầu mỏ hơn trước.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran Abolfazl Amoui nhấn mạnh, các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, hay còn gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), phải đưa đến việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran để bảo đảm các lợi ích kinh tế của nước này.
JCPOA đã được Iran ký với các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga vào tháng 7/2015. Theo JCPOA, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Mới đây, vòng thương lượng thứ tám về khôi phục JCPOA đã được nối lại tại khách sạn Palais Coburg ở Vienna ngày 4/8, lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm nay.
Ngày 8/8, EU đã đưa ra dự thảo văn bản cuối cùng và đang chờ quyết định của các bên tham gia.