Trách nhiệm chung về khôi phục thỏa thuận hạt nhân

Iran đã gửi văn bản phản hồi dự thảo cuối cùng về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, nhưng nhấn mạnh cần đàm phán thêm nếu Mỹ không thể hiện sự linh hoạt. Washington lại cho rằng, những vấn đề có thể thì đã đàm phán và yêu cầu của Tehran là không thể chấp nhận. Cuộc đàm phán trong giai đoạn quyết định, song vẫn chông chênh trước những "lằn ranh đỏ" các bên đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Vòng thương lượng thứ 8 về khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), do Iran ký với Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức tháng 7/2015, đã được nối lại tại Vienna (Áo) hôm 4/8, sau thời gian đình trệ kể từ hồi tháng 3. Các nhà trung gian hòa giải của Liên minh châu Âu (EU) hôm 8/8 đã đưa ra văn bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng, trong đó đề xuất các bước đi cần thiết để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khôi phục JCPOA.

Iran thông báo đã gửi văn bản phản hồi dự thảo cuối cùng của EU về việc khôi phục JCPOA, trong đó nhấn mạnh nếu Mỹ thể hiện sự linh hoạt và thực tế thì thỏa thuận có thể được ký kết.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian cho rằng các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna có thể bước sang một giai đoạn mới, nếu phản hồi của phía Mỹ đưa ra bảo đảm đối với các lợi ích kinh tế và tôn trọng "lằn ranh đỏ" của Iran.

Ông Abdollahian khẳng định, Iran có thiện chí và sự nghiêm túc để tiến tới một thỏa thuận "tốt đẹp và lâu dài", song chỉ khi các bên đạt được đồng thuận trên mọi phương diện. Bộ trưởng Ngoại giao Iran nhấn mạnh, những "lằn ranh đỏ" của Iran cần được tôn trọng và cũng như Washington, Tehran có "kế hoạch B" nếu đàm phán thất bại.

Hàng loạt quan chức cấp cao của Iran cũng lên tiếng hối thúc chấm dứt các cuộc đàm phán phức tạp và dai dẳng. Phó Chủ tịch Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran Abbas Moqtadaee nêu rõ, Iran đã đưa ra "quyết định chính trị" đối với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân và đang chờ Mỹ có động thái tương tự. Phó Chủ tịch Ủy ban xã hội của Quốc hội Iran Vali Esmaili nhận định "bóng đang ở phía sân của Mỹ và phương Tây" và họ cần đưa ra quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, câu trả lời từ phía Mỹ vẫn là những tuyên bố cứng rắn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ không có kế hoạch nới lỏng việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó có các biện pháp trừng phạt nhằm vào Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ông Price tuyên bố, nếu muốn các lệnh trừng phạt IRGC được dỡ bỏ, chính Iran cần thay đổi hành động. Theo quan chức ngoại giao Mỹ, Washington tin rằng, những vấn đề có thể thương lượng thì đã được đàm phán. Con đường duy nhất để cùng trở lại thực thi JCPOA là Iran từ bỏ những yêu cầu mà Mỹ cho là "không thể chấp nhận", vì vượt phạm vi thỏa thuận hạt nhân.

Theo người phát ngôn của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại và là người điều phối các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, EU đang nghiên cứu câu trả lời của Iran về đề xuất của EU, cũng như đang tham vấn với các bên về con đường phía trước. Tuy nhiên, EU không nêu chi tiết phản hồi của phía Tehran. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington sẽ đưa ra câu trả lời cho EU, song không nêu thời gian cụ thể.

Đại diện EU nhấn mạnh, bản dự thảo thỏa thuận mà các nhà trung gian hòa giải đang thúc đẩy có thể không hoàn hảo và chưa đáp ứng được tất cả yêu cầu của các bên, song nó giải quyết được những vấn đề cốt lõi nhất, đặc biệt là những điều thỏa hiệp mà các bên khó khăn mới đạt được.

EU cảnh báo, dự thảo nếu bị bác bỏ sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm, khiến Iran ngày càng bị cô lập. Do đó, trách nhiệm chung lúc này là sớm ký kết thỏa thuận, bởi đàm phán không thể kéo dài bất tận, trong khi sự kiên nhẫn của các bên có hạn.