Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ khả năng Phần Lan gia nhập NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 29/1, lần đầu để ngỏ khả năng nước này chấp thuận Phần Lan gia nhập NATO, nhưng không đề cập Thụy Điển.
0:00 / 0:00
0:00
Các lá cờ của Phần Lan, NATO và Thụy Điểm trong một lễ kỷ niệm đánh dấu việc hai nước này nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Brussels, Bỉ, ngày 18/5/2022. (Ảnh: Reuters)
Các lá cờ của Phần Lan, NATO và Thụy Điểm trong một lễ kỷ niệm đánh dấu việc hai nước này nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Brussels, Bỉ, ngày 18/5/2022. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng các cuộc đối thoại với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập NATO. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai nước còn lại trong số 30 thành viên của NATO chưa đồng ý với nguyện vọng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Ankara đã nhiều lần phê phán việc Stokholm từ chối dẫn độ một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc sắc tộc Kurd mà Ankara cho rằng có liên quan tới cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Trong buổi đối thoại được truyền hình ngày 29/1, ông Erdogan nêu rõ rằng, nếu Thụy Điển muốn gia nhập NATO thì phải trao trả “những kẻ khủng bố” nói trên cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Thụy Điển cảnh báo người dân nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ cần tránh đám đông và các cuộc biểu tình, sau làn sóng phản đối việc chính trị gia cực hữu đốt bản sao kinh Koran bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan về đơn xin gia nhập NATO sau vụ việc trên.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết, tiến trình xin gia nhập NATO của nước này đã tạm dừng. Ông cũng cho biết thêm rằng, Chính phủ Thụy Điển sẽ tập trung đầu tư cho lĩnh vực năng lượng và cần thời gian để thúc đẩy trở lại việc xin gia nhập NATO.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đang có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản, nhằm tăng cường quan hệ giữa liên minh quân sự với các đồng minh của Mỹ ở châu Á. Phát biểu với Yonhap, ông Stoltenberg nhấn mạnh: Những gì xảy ra ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều có ý nghĩa quan trọng với châu Âu và NATO ■