Theo đó, tại Quảng Bình có 7 cửa hàng tạm ngừng kinh doanh; 25 cửa hàng, địa điểm kinh doanh xăng dầu tạm ngừng kinh doanh một trong số các loại hàng như xăng E5 RON 92-II, RON 95 hoặc dầu Diezel.
Qua công tác nắm tình hình, đơn vị quản lý thị trường cho biết, hiện lượng xăng dầu từ thương nhân đầu mối, như: Công ty cổ phần Xăng dầu, dầu khí Vũng Áng, Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty Xăng dầu khu vực V-Đà Nẵng… nguồn cung hạn chế, các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã liên hệ với nhiều đầu mối nhưng chưa có câu trả lời cụ thể về thời gian cũng như sản lượng xăng dầu có thể cung ứng.
Trong khi đó, Công ty Xăng dầu Quảng Bình vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn cung xăng dầu cho các đại lý, các cửa hàng trực thuộc. Tuy nhiên, do cửa hàng, cây xăng của các doanh nghiệp tư nhân đóng cửa nên khách hàng mua đổ xăng, dầu tại các cửa hàng của Công ty Xăng dầu Quảng Bình tăng cao, tạo áp lực cho đơn vị cung ứng.
Trước tình trạng nhiều cửa hàng treo biển hết hàng, đóng cửa, Cục Quản lý thị trường Quảng Bình đã phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu của các đơn vị. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều cửa hàng, đại lý xăng dầu đóng cửa là do hết nguồn hàng, chưa phát hiện trường hợp găm hàng chờ tăng giá.
Tình trạng đứt gãy nguồn cung dẫn tới nhiều cửa hàng, đại lý bán xăng dầu trong tỉnh phải đóng cửa đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Qua khảo sát của phóng viên tại thành phố Đồng Hới, trên tuyến đường Phan Đình Phùng, nơi có mật độ dân cư đông và có khu công nghiệp tây bắc Đồng Hới nhưng các cây xăng đều treo biển hết hàng. Chủ phương tiện phải di chuyển quãng đường xa hơn để mua xăng từ cửa hàng của Công ty Xăng dầu Quảng Bình.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động cung ứng xăng dầu đối với các thương nhân trên địa bàn tỉnh để kịp thời đề xuất các giải pháp điều phối, bảo đảm cung ứng đủ cho sản xuất, tiêu dùng, sớm khắc phục tình trạng gián đoạn nguồn cung.