Thiếu nguyên liệu chế biến khoáng sản ở Bắc Kạn

Bắc Kạn có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hóa thuộc 24 loại khoáng sản; trong đó, quặng chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Tỉnh đang xác định trở thành trung tâm chế biến khoáng sản chì, kẽm của cả nước. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp trở ngại vì tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến sâu trong khi tổng công suất chế biến đang rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động luyện chì tại Công ty cổ phần Luyện kim màu Bắc Kạn. (Ảnh THU CÚC)
Hoạt động luyện chì tại Công ty cổ phần Luyện kim màu Bắc Kạn. (Ảnh THU CÚC)

Tính đến hết tháng 7 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 14 giấy phép khai thác khoáng sản chì, kẽm còn hiệu lực, tổng công suất hơn 286.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Đối với khoáng sản sắt, Bắc Kạn có 4 giấy phép khai thác còn hiệu lực, tổng công suất khai thác hơn 322.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

Với công suất khai thác này, tưởng như nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến sâu của các nhà máy ở Bắc Kạn sẽ dồi dào nhưng thực tế, phần lớn các nhà máy phải hoạt động cầm chừng vì “đói” nguyên liệu. Có nhà máy chế biến đã bước vào giai đoạn chạy thử nhưng vẫn chưa biết sẽ lấy nguyên liệu ở đâu.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn Đinh Văn Hiến cho biết, công ty có nhà máy chế biến sâu, có mỏ khoáng sản được cấp phép tận thu, tuy nhiên vẫn luôn thiếu nguyên liệu. Do nguyên liệu khai thác trong mỏ của công ty chỉ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu nên nhiều năm qua công ty vẫn phải nhập nguyên liệu từ ngoại tỉnh và nhập khẩu. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế.

Tại huyện Chợ Đồn, Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Bắc Kạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Ferro Mangan công suất 60.000 tấn/năm, đã xây dựng cơ bản xong giai đoạn 1. Dù mới đang trong quá trình chạy thử, nghiệm thu kỹ thuật thiết bị nhưng thời gian qua, nhà máy đã sản xuất và tiêu thụ được 2.574 tấn gang, 1.368 tấn xỉ giàu mangan. Tuy nhiên, công ty chưa có mỏ khoáng sản nào được cấp giấy phép nên khi đi vào vận hành chính thức, nhà máy cũng được dự báo sẽ khó khăn về nguyên liệu chế biến.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn tỉnh hiện có bảy xưởng tuyển nổi để tuyển làm giàu quặng chì, kẽm với năng lực tuyển nâng cao hàm lượng đạt hơn một triệu tấn quặng nguyên khai/năm. Tuy nhiên, hiện chỉ có sáu xưởng tuyển nổi hoạt động sản xuất và hầu hết hoạt động cầm chừng do không đủ nguồn nguyên liệu.

Đối với chế biến sâu, Bắc Kạn có bốn nhà máy luyện chì đã xây dựng xong và đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 16.500 tấn chì kim loại/năm. Ngoài ra, còn hai nhà máy đã xây dựng cơ bản xong, đang chạy thử, gồm: Nhà máy luyện chì 20.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Luyện kim màu Bắc Kạn và Nhà máy chế biến Ferro Mangan công suất 60.000 tấn/năm của Công ty cổ phần phát triển công nghiệp Bắc Kạn.

Các dự án chế biến sâu khoáng sản chì, kẽm mới được đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nguyên liệu, trong khi khoáng sản sắt thì 100% được vận chuyển tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Một số nhà máy đang phải nhập nguyên liệu từ ngoại tỉnh và nhập khẩu để sản xuất. Chính điều này dẫn tới việc trong khi hoạt động khai thác quặng chì, kẽm tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động, đóng góp ngân sách khá lớn thì hoạt động chế biến đóng góp cho ngân sách chưa tương xứng.

Nguyên nhân dẫn tới thiếu nguyên liệu cho các nhà máy là do việc khai thác ở các mỏ, điểm mỏ không đáp ứng được nhu cầu. Theo Sở Công thương Bắc Kạn, tổng công suất khai thác quặng chì, kẽm theo giấy phép hơn 286.000 tấn quặng nguyên khai/năm nhưng thực tế khai thác chỉ đạt từ 155-170.000 tấn/năm. Đối với quặng sắt, tổng công suất theo giấy phép là hơn 322.000 tấn quặng nguyên khai/năm nhưng thực tế khai thác chỉ đạt khoảng 120-180.000 tấn quặng/năm.

Khai thác không đạt công suất thiết kế là do điều kiện khai thác xuống sâu ngày càng khó khăn; điều kiện địa chất phức tạp, đặc điểm thân khoáng biến đổi không đạt kỳ vọng như báo cáo thăm dò trữ lượng. Một số mỏ dừng hoạt động do không tìm thấy thân quặng và chưa thực hiện xong thủ tục đất đai, môi trường theo quy định. Mỏ chì, kẽm lớn nhất Việt Nam của Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (VIMCO) nằm ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn chủ yếu cung cấp cho nhà máy điện phân kẽm của công ty tại Thái Nguyên.

Mặt khác, ở Bắc Kạn có tình trạng đơn vị được cấp mỏ thì chưa có nhà máy chế biến sâu và ngược lại, đơn vị có nhà máy chế biến sâu lại chưa được cấp mỏ nguyên liệu. Điều này tạo nên nghịch lý, nhà máy đặt ở vùng khai thác khoáng sản nhưng vẫn phải đi nhập nguyên liệu ngoại tỉnh và nhập khẩu về chế biến. Các dự án chế biến sâu khoáng sản chì kẽm ở Bắc Kạn được phê duyệt trong Quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030 dự kiến sản xuất với công suất từ 16.500 tấn đến hơn 40.000 tấn chì kim loại/năm.

Nhu cầu tinh quặng chì sử dụng cần tối thiểu phải bảo đảm từ 33-80.000 tấn/năm, tương đương hơn 260-650.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Như vậy, các mỏ đang khai thác tại Bắc Kạn nếu khai thác theo đúng công suất thiết kế thì cũng chỉ đáp ứng cho các dự án chế biến sâu chì, kẽm hoạt động ở công suất tối thiểu.

Đầu tháng 8 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị kết nối phát triển nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản. Các doanh nghiệp khai thác và chế biến đã ký nhiều bản ghi nhớ hợp tác về cung ứng nguyên liệu. Trước mắt, giải pháp này sẽ giảm phần nào tình trạng thiếu nguyên liệu như vừa qua. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì các doanh nghiệp khai thác vẫn sẽ phải ưu tiên bán cho những đơn vị nào mua giá cao.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn Đinh Văn Hiến, công ty đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đưa các mỏ chì, kẽm đã được phê duyệt quy hoạch vào danh mục đấu giá hoặc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để các doanh nghiệp tiến hành thăm dò, khai thác lấy nguyên liệu.

Theo Sở Công thương Bắc Kạn, về khoáng sản chì, kẽm, Bắc Kạn được quy hoạch 41 mỏ với trữ lượng 1,71 triệu tấn kim loại, chiếm 29,36% tổng trữ lượng cả nước (lớn nhất cả nước). Về khoáng sản sắt, tỉnh được quy hoạch 19 mỏ với trữ lượng 18,33 triệu tấn quặng. Bắc Kạn còn có 22 mỏ chì, kẽm chưa cấp với tổng công suất khai thác từ 562-761.000 tấn quặng và 12 mỏ sắt chưa cấp với tổng công suất khai thác từ 112,5-150.000 tấn quặng.

Giám đốc Sở Công thương Hà Sỹ Thắng cho biết, trước mắt, Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác và chế biến trên địa bàn liên kết để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất, giảm nhập khẩu và nhập từ ngoại tỉnh. Về lâu dài, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xem xét, kiến nghị đẩy nhanh việc cấp mới các mỏ khoáng sản theo quy hoạch; trong đó, sẽ tập trung nghiên cứu việc cấp mới mỏ khoáng sản theo quy định cho các công ty đã có nhà máy chế biến sâu, đang thiếu nguyên liệu.