Thiếu nguồn cung vaccine là rào cản lớn nhất trong công tác tiêm chủng tại châu Mỹ

NDO -

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 16-6 nhận định, vấn đề lớn nhất dẫn đến tình trạng chậm trễ trong tiến độ tiêm ngừa Covid-19 ở châu Mỹ là nguồn cung vaccine, chứ không phải tính an toàn hoặc hiệu quả của vaccine. 

Người vô gia cư chờ tiêm vaccine AstraZeneca tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: Reuters)
Người vô gia cư chờ tiêm vaccine AstraZeneca tại Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: Reuters)

Nhận định trên của PAHO được đưa ra trong bối cảnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 13-6 vừa qua tuyên bố sẽ cung cấp một tỷ liều vaccine từ nay đến năm 2022, nhằm hỗ trợ các nước nghèo tiêm chủng cho người dân.

Phát biểu trong cuộc họp báo hằng tuần, Giám đốc PAHO Carissa Etienne nhấn mạnh: "Tôi muốn chỉ rõ rằng vấn đề chính ở châu Mỹ là nguồn cung vaccine, chứ không phải việc tiếp nhận vaccine. Chúng ta trông cậy vào các nhà lãnh đạo của mình và sự hỗ trợ của cộng đồng toàn cầu, để đảm bảo rằng châu Mỹ sẽ có số lượng vaccine mà họ cần sớm nhất có thể, theo đó cứu sống nhiều mạng người". 

Bà Etienne cho biết, quyết định nêu trên của G7 đã thắp lên hy vọng mới, giúp châu Mỹ vượt qua những hạn chế về nguồn cung. Tuy nhiên, ngay cả với sự hỗ trợ đó, châu lục này vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để bảo vệ người dân. Bà nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng các quốc gia G7 sẽ ưu tiên liều lượng cho các quốc gia đang có nguy cơ cao nhất, đặc biệt là những nước Mỹ Latinh không có đủ vaccine để bảo vệ ngay cả những người dễ bị tổn thương nhất. Hiện giờ vấn đề vaccine là rất cấp bách". 

Theo Giám đốc PAHO, riêng trong tuần trước, châu Mỹ ghi nhận hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19 và 31.000 ca tử vong. Tình trạng lây nhiễm đặc biệt gia tăng ở Mexico, Belize, Guatemala, Panama và một số khu vực thuộc Caribe. Các bệnh viện ở Bolivia, Chile và Uruguay đã tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân Covid-19 trong độ tuổi từ 25 đến 40, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trẻ tuổi mắc căn bệnh này.

Tại thành phố Sao Paulo của Brazil, có tới 80% số bệnh nhân đang phải điều trị tích cực là người mắc Covid-19. Trong khi đó, tại Colombia, số bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tích cực cũng đang ở mức cao nhất trên toàn quốc. Haiti thậm chí chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Nước này dự kiến sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 7 tới, theo sự điều phối của sáng kiến COVAX. 

PAHO đồng thời khuyến cáo các quốc gia phải cung cấp thông tin rõ ràng về thời điểm người dân có thể tiêm phòng và bảo đảm rằng họ sẽ được tiêm đủ liều, do không có quốc gia nào được an toàn cho đến khi toàn cầu đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và đồng đều.

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư