Nguyên nhân, do toàn cầu bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng hóa nhập khẩu không nhiều nên lượng container rỗng không đủ để doanh nghiệp thuê. Mặt khác, các hãng tàu lớn trên thế giới đang dịch chuyển container rỗng sang các nước có cước phí vận chuyển cao hơn Việt Nam khoảng 300%. Các vấn đề này đang làm nhiều mặt hàng nông sản giảm giá, doanh nghiệp thu mua và chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu phải kéo dài thời hạn giao hàng, dẫn đến khó khăn về tài chính.
Bà Bùi Thị Thu Ba, chủ doanh nghiệp nông trang Hải Âu (Vical), huyện Bến Lức (Long An) cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán thuê container của các hãng tàu lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… để chứa quả chanh xuất khẩu sang Dubai. Song, cước vận chuyển của các hãng tàu lớn trên thế giới tăng rất cao so trước đây. Nếu như trước đây cước vận chuyển một container chanh có trọng lượng 25 tấn sang thị trường Dubai với mức phí 1.600 USD/container, thì nay đã tăng lên 6.000 USD/container. Cước vận chuyển tăng cao đã kéo giá chanh thu mua tại vườn giảm 4.000 đồng/kg và đang đứng ở mức 8.000 đồng/kg. Nếu tình trạng này kéo dài đến sau Tết Nguyên đán thì giá chanh sẽ còn tiếp tục giảm, nhà vườn sẽ không có lợi nhuận. Hiện tại, toàn bộ sản lượng chanh thu mua của nhà vườn phải chuyển vào kho lạnh trữ lại chờ đàm phán với các hãng tàu trên thế giới, để xin chỗ trống trên tàu và phải chấp nhận giá cước vận chuyển cao thì mới có container chuyển giao đối tác.
Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II, thành phố tân An, tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Khoa cho biết: Tình trạng thiếu hụt container đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Long An nói riêng, ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hiện tại, Trung Quốc đang “hút” container rỗng từ các hãng tàu lớn trên thế giới về chứa hàng hóa để xuất khẩu sau khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới lắng đọng. Mặt khác, giá cước vận chuyển từ Trung Quốc đi các nước cao hơn từ Việt Nam đi các nước trên thế giới nên các hãng tàu đã chuyển container rỗng sang Trung Quốc.
“Hiện tại, doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn giao hàng đi các nước đúng theo hợp đồng đã ký phải tranh thủ đàm phán chỗ trống với các hãng tàu lớn như: Đức, Mỹ, Hàn Quốc… và chấp nhận mức cước vận chuyển tăng khoảng 300%/container so trước đây. Với mức cước phí vận chuyển này, doanh nhiệp buộc phải giảm giá thu mua gạo xuống 5-7 USD/tấn, từ đó, kéo theo giá lúa giảm từ 2-3 USD/tấn. Đối với các doanh nghiệp không tranh thủ đàm phán được chỗ trống với các hãng tàu, phải điều đình với đối tác kéo dài thời hạng giao gạo. Với tình trạng thiếu hụt container kéo dài, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong cả nước nói chung sẽ gặp khó khăn về tài chính, nông dân trồng lúa sẽ giảm lợi nhuận”, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II cho biết thêm.
Bà Bùi Thị Thu Ba nói thêm: “Từ lâu, việc xuất khẩu hàng nông sản ra thế giới đều phụ thuộc vào các hãng tàu lớn của các nước như: Đức, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… phí dịch vụ vận chuyển tăng cao thì giá hàng nông sản xuống thấp là hiển nhiên. Để các mặt hàng nông sản không bị mất giá, Chính phủ cần sớm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống logistics vận tải đường thủy xứng tầm thế giới, chắc chắn sẽ nâng cao được giá trị các mặt hàng nông sản và phát triển một cách bền vững”.