Thiết thực chăm lo đời sống người lao động

Thời gian qua, công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được các cấp Công đoàn tỉnh Nghệ An đặc biệt quan tâm. Qua đó nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã tạo động lực để người lao động tích cực hăng hái thi đua lao động, sáng tạo và tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Tặng quà, động viên các lao động bị thương tật do tai nạn lao động nhân tháng công nhân năm 2024.
Tặng quà, động viên các lao động bị thương tật do tai nạn lao động nhân tháng công nhân năm 2024.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An Thái Minh Sỹ cho biết: Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", bên cạnh những hoạt động thường niên, các cấp Công đoàn của tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về người lao động, lắng nghe người lao động và phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Các chương trình trọng điểm sẽ gồm: Đến với nhà trọ công nhân; Lắng nghe tiếng nói công nhân; Bữa cơm công đoàn; Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân; Đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống; Đối thoại tháng 5…

Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An giao các công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, phối hợp tổ chức diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp, doanh nghiệp vì công nhân".

Thiết thực chăm lo đời sống người lao động ảnh 2

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Từ những diễn đàn này, kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động thêm khăng khít, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cơ hội nắm bắt tình hình doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên, nghi thức chào cờ đầu tuần trong Tháng Công nhân được Công đoàn Nghệ An triển khai đồng loạt ở tất cả các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp.

Thông qua hoạt động này, các cấp Công đoàn mong muốn bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tiếp tục vun đắp, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức của công nhân lao động trong lao động sản xuất để xây dựng quê hương đất nước và nâng cao đời sống.

Có mặt tại Công ty cổ phần may Minh Anh - Đô Lương vào thứ hai tuần đầu tiên của Tháng Công nhân; đúng 7 giờ 30 phút, gần 3.000 công nhân đứng dậy, chỉnh đốn trang phục để chuẩn bị cho buổi lễ chào cờ. Trong không khí thiêng liêng, dưới cờ đỏ sao vàng, Quốc ca vang lên, hàng nghìn công nhân hướng mắt về Quốc kỳ để thực hiện nghi thức lễ chào cờ.

Thiết thực chăm lo đời sống người lao động ảnh 3

Tổ chức chào cờ vào đầu tuần ở Công ty cổ phần may Minh Anh - Đô Lương.

“Cảm giác bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào trong tôi lại được sống dậy khi được nghe tiếng Quốc ca vang lên. Sau buổi lễ chào cờ, tôi thấy háo hức, có tinh thần làm việc hơn!”. Chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân dây chuyền số 56, Công ty cổ phần may Minh Anh - Đô Lương chia sẻ.

Qua trao đổi với lãnh đạo một số công đoàn cơ sở, thời gian tới, nếu hoạt động chào cờ mang lại hiệu quả thì sẽ đề nghị Liên đoàn lao động tỉnh, đưa vào hoạt động thường xuyên tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn vào các sáng đầu tuần. Thông qua lễ chào cờ, Công đoàn cơ sở sẽ phối hợp để trao tặng quà hoặc các hoạt động khác để cho người lao động thấy được sự quan tâm của các cấp Công đoàn.

Không chỉ các hoạt động trong Tháng Công nhân, mà các cấp Công đoàn cơ sở tỉnh Nghệ An thường xuyên chăm lo, động viên, hỗ trợ của tổ chức công đoàn đối với đoàn viên, người lao động.

Trong Tết Nguyên đán 2024, các cấp Công đoàn Nghệ An đã chi gần 20 tỷ đồng cho việc chăm lo Tết, cho gần 23.000 đoàn viên, công nhân lao động được thụ hưởng.

Riêng Liên đoàn lao động tỉnh trực tiếp tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” 2024, với sự tham gia của gần 500 công nhân lao động, tại chương trình trao quà cho 250 công nhân lao động tiêu biểu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất trị giá hơn 600 nghìn đồng.

Các cấp công đoàn còn hỗ trợ xây hơn 10 ngôi nhà mái ấm công đoàn, nhà góp gạch cho các công nhân lao động có gia cảnh khó khăn.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng

Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An xảy ra không ít vụ việc ngừng việc tập thể. Mới đây, ngày 25/4/2024, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử BSE Việt Nam, ở Khu Công nghiệp Nam Cấm xảy ra ngừng việc tập thể với sự tham gia của 84 công nhân trên tổng số hơn 1.600 lao động.

Khi vụ việc xảy ra, Liên đoàn lao động tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam phối hợp các đơn vị chức năng để làm việc với công ty, nắm bắt tình hình diễn biến, thu thập kiến nghị của công nhân lao động và đưa ra hướng giải quyết.

Sau đó đã có buổi làm việc với người sử dụng lao động để rà soát, thương lượng, giải quyết các kiến nghị của người lao động. Đến sáng 26/4, 100% công nhân đã trở lại làm việc đúng giờ, đầy đủ khi đã thông qua các trả lời từ phái công ty, đáp ứng nguyện vọng của người lao động.

Hay như tại huyện Đô Lương, năm 2021, sau khi nắm bắt được tình hình trong nội bộ một số công nhân, Liên đoàn lao động huyện đã chỉ đạo công đoàn Công ty Kiddo Vinh tổ chức đối thoại giữa Ban giám đốc với Ban Chấp hành Công đoàn, tổ trưởng công đoàn, tổ trưởng các dây chuyền sản xuất để giải quyết chế độ dưỡng sức cho người lao động tại Công ty TNHH Kido Vinh.

Sau đó các bên đã tìm được tiếng nói chung, từ đó cho đến nay, công ty đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội để giải quyết cho trên 1.000 trường hợp, với số tiền hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng...

Thiết thực chăm lo đời sống người lao động ảnh 4
Tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi cho người lao động.

Đây chỉ là hai trong những sự việc cho thấy các cấp Công đoàn đã vào cuộc quyết liệt để bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng cho người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần may Minh Anh - Đô lương Nguyễn Thu Hà, chia sẻ: Công tác nắm bắt, tâm tư nguyện vọng của người lao động là cực kỳ quan trọng để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể xảy ra. Do đó, từ trước đến nay Công ty cổ phần may Minh Anh luôn bảo đảm chế độ, quyền lợi cho người lao động. Lãnh đạo công ty luôn lắng nghe những ý kiến nhỏ nhất của công nhân và trả lời các kiến nghị của người lao động công khai, kịp thời. Ngoài ra, công ty luôn bảo đảm ổn định nguồn hàng, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để người lao động tăng thu nhập. Năm 2023, bình quân thu nhập của công nhân từ 5,5 đến 6 triệu đồng/tháng, thì nay đã lên 7,2 triệu đồng/tháng.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Hoàng Thị Thu Hương cho biết: Trước tình hình mất an toàn lao động xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong thời gian qua, cần tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp có nguy cơ mất an toàn cao. Công đoàn phải có cơ chế tự kiểm tra và doanh nghiệp có cơ chế tự kiểm soát rủi ro.

Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An Thái Minh Sỹ nhấn mạnh: Các cấp Công đoàn hiện đã xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện Thoả ước lao động tập thể để quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn cho công nhân lao động, góp phần thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có 559 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn; có 485 doanh nghiệp có Thoả ước lao động tập thể. Riêng năm 2023, các cấp Công đoàn đã tổ chức ký mới 23 bản Thỏa ước lao động tập thể; ký sửa đổi, bổ sung 89 bản Thỏa ước lao động tập thể. Nội dung Thỏa ước lao động tập thể đã nâng cao quyền lợi của người lao động như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng, phụ cấp; cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ đối với lao động nữ, chất lượng bữa ăn ca; tổ chức tham quan nghỉ mát; thăm hỏi khi ốm đau; trợ cấp khó khăn đột xuất, hiếu hỷ... cho người lao động.

Thời gian tới, Công đoàn Nghệ An sẽ tiếp tục quan tâm về các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ, nhất là quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp. Qua đó nhằm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; sâu sát với đoàn viên, chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên gắn với bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong đoàn viên, người lao động.