Giá gạo xuất khẩu tăng nên kéo theo giá lúa cũng tiếp tục tăng, đạt bình quân từ 7.500 đồng/kg trở lên ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Nhu cầu tiêu thụ cao
Số liệu từ VFA cho thấy, tại An Giang, giá lúa OM18 ở mức 7.800-8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 7.400-7.600 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 đạt 7.200-7.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800-8.000 đồng/kg. Với lúa nếp, nếp Long An tươi ở mức 6.900-7.400 đồng/kg. Với mặt hàng gạo, giá gạo biến động trái chiều giữa các chủng loại. Theo đó, giá gạo nguyên liệu điều chỉnh giảm 50 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg, trong khi đó gạo thành phẩm tăng 200 đồng/kg, lên mức 14.000-14.100 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR504 và cám khô điều chỉnh tăng lần lượt 100 đồng/kg và 50 đồng/kg, lên mức 11.700 đồng/kg tấm và 7.600 đồng/kg cám khô.
Theo số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 391 triệu USD, đạt 90,4% kim ngạch 2022 với 677,9 nghìn tấn, đạt 79,7% lượng năm 2022. Tại thị trường ASEAN, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, đạt 76% kim ngạch 2022 với 2,5 triệu tấn, đạt 71,6% lượng năm 2022.
Trong tháng 6, giá xuất khẩu gạo thơm bình quân sang thị trường này đạt 569 USD/tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu gạo trắng bình quân ở mức 516 USD/tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022; giá xuất khẩu gạo nếp bình quân đạt 576 USD/tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 38,7 triệu USD, đạt 65,4% kim ngạch 2022 với 58,2 nghìn tấn, đạt 68,5% lượng năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 21,1 triệu USD, đạt 63% kim ngạch 2022; khối lượng đạt 43 nghìn tấn, đạt 65,4% lượng năm 2022. Với thị trường Mỹ, lũy kế 6 tháng 2023 đạt 12,1 triệu USD, đạt 65,1% kim ngạch năm 2022; sản lượng đạt 16,4 nghìn tấn, đạt 66,7% khối lượng năm 2022.
Bám sát diễn biến thị trường
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, trao đổi thông tin cùng Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý. Tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.
Về thị trường, theo báo cáo tổng hợp từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn thì các thông tin của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy nước này có thể sẽ xuất khẩu 9 triệu tấn gạo năm nay do nhu cầu nhập khẩu tăng của thị trường thế giới trước những lo ngại về tác động tiêu cực của El Nino. Riêng trong 6 tháng cuối năm 2023 Thái Lan có thể xuất khẩu từ 4-5 triệu tấn gạo sau khi đã xuất khẩu 4,1 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm. Theo Cục Trồng trọt Philippines, quốc gia này đã nhập khẩu 1,81 triệu tấn gạo trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 6,43% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục là thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines với 1,61 triệu tấn, chiếm 89,09%. Còn theo Hiệp hội gạo Campuchia, xuất khẩu gạo xay xát của nước này trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 329.633, tấn trị giá 229,23 triệu USD, bằng 47,09% kế hoạch xuất khẩu 700.000 tấn trong năm 2023. Hiện tại, gạo của Campuchia được xuất khẩu tới 52 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua 50 doanh nghiệp xuất khẩu. Về chủng loại xuất khẩu, gạo thơm chiếm 85,08%, gạo trắng hạt dài chiếm 11,34%, gạo đồ 2,42%, gạo hữu cơ 1,02% và gạo trắng hạt ngắn 0,14%.