Ứng phó diễn biến mới trên thị trường xuất khẩu gạo

Nhiều vấn đề liên quan đến an ninh lương thực quốc gia cần phải bàn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga…
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp thu mua, đóng bao gạo xuất khẩu. Ảnh: SONG ANH
Doanh nghiệp thu mua, đóng bao gạo xuất khẩu. Ảnh: SONG ANH

Tranh thủ thời cơ xuất khẩu

Việc Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới (chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu) tuyên bố cấm xuất khẩu gạo (ngày 20/7), cùng với đó là một số quốc gia khác như UAE, Nga cũng tạm ngừng xuất khẩu mặt hàng này để bảo đảm nguồn cung nội địa, đã khiến thị trường gạo thế giới bị tác động đáng kể, trong đó có Việt Nam - nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới (sau Thailand).

Giới chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới việc Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Đó là diện tích gieo trồng vụ hè thu, vụ quan trọng nhất của Ấn Độ giảm trong khi nhu cầu lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh trong năm tháng qua.

Như vậy, thị trường lương thực thế giới vốn đang chịu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và ảnh hưởng của El Nino, giờ đây lại hứng chịu thêm một cú sốc mới từ Ấn Độ với lệnh cấm này.

Với Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, việc này sẽ giúp chúng ta nổi lên là ứng viên sáng giá nhất thay thế cho toàn bộ nguồn cung bị mất đi từ Ấn Độ.

Đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tác động tích cực đến Việt Nam. Cho nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải tranh thủ thời cơ.

Để tranh thủ được thời cơ này, theo đại diện Cục Trồng trọt, các doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 107 của Chính phủ. Đồng thời, phải đánh giá nguồn cung, nhu cầu thị trường để ký hợp đồng mới.

Về tình hình sản xuất, cân đối trong nước, theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, dự kiến năm nay cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.

Hiện, các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ thu đông và thu hoạch vụ hè thu. Diện tích vụ thu đông tăng 50.000 ha lên mức 700.000 ha. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8 ha so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch bảy tháng đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

“Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng thóc sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng hơn 15,1 triệu tấn, tương đương hơn 7,5 triệu tấn gạo”, báo cáo nêu.

Dù Bộ NN&PTNT nhận định, có thể nâng sản lượng xuất khẩu từ 7,1 triệu tấn (năm ngoái) lên ngưỡng 7,5 triệu tấn, thậm chí 8 triệu tấn trong năm nay nếu chúng ta tăng tốc xuất khẩu. Đây là thời cơ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam, tiến tới mở rộng thị trường mới.

Song, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cảnh báo Việt Nam cần thận trọng. Ông nói: “Khi chúng ta thừa thế xông lên mà người ta dừng lệnh đó thì đội hình đằng sau quay. Người đi đầu trở thành người đi sau. Khi chúng ta đã quá đà xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị, chất lượng hạt gạo chưa chắc được bảo đảm, thương hiệu gạo chưa được khẳng định, giá lại cao hơn của họ, thì sẽ mất các đơn hàng cụ thể. Liền sau đó là mất thị trường. Và mất trong cuộc này là mất hẳn, có quay trở lại được cũng không phải dễ”.

Ông cho rằng, chúng ta vẫn phải tranh thủ thời cơ, nhưng phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vì tác động của thị trường lúa gạo thế giới hiện nay chưa biết khi nào có thay đổi. Cho nên, cùng với dự trữ nhà nước, thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo phải tính toán, cân nhắc.

Do đó, theo ông, các đơn vị có nhiệm vụ liên quan phải thực hiện bảo đảm duy trì dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của Nhà nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc dự trữ lưu thông tối thiểu; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Bảo đảm giá lúa gạo trong nước

Cùng với giá gạo xuất khẩu đang lên cao, giá ở thị trường trong nước cũng tăng lên từng ngày, Bộ Công thương cho rằng, cần khẩn cấp bảo đảm giá trong nước mới bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia.

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, xuất khẩu gạo bảy tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Đông, một số thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022. Đơn cử, Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022; Trung Quốc (thị trường lớn thứ 2) tăng 60,7%.

Trong quý I/2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khoảng 450 USD/tấn. Sang quý II, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên mức 535 USD/tấn.

Giá thị trường tiếp tục tăng cao khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati). Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thailand khoảng 35 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Còn trong nước, hiện, giá gạo IR50404 lên 10.750 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 500 đồng/kg); giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); giá gạo Đài thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)…“Trung bình mỗi ngày tăng từ 50-100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400-500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7”, ông Đông thông tin.

Trước thực tế này, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc gửi các địa phương để bình ổn thị trường gạo. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng lúa gạo, bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Bộ Công thương lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.