Thị trường lao động chuyển dịch tích cực trong 6 tháng đầu năm

NDO - Ngày 30/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội họp báo thông tin về kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng năm 2024 và một số nhiệm vụ điều hành của Bộ trong những tháng cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
Họp báo thông tin về kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng năm 2024.
Họp báo thông tin về kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng năm 2024.

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 6 tháng năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động không có nhiều biến động so cùng kỳ năm ngoái (giữ ở mức 2,27%). Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt gần 120 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo lao động được quản lý chặt chẽ hơn; thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật được chú trọng...

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính chung 6 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 28%, tăng 1,4 điểm phần trăm, điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112,8 nghìn người so cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2023; cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp.

Đồng thời, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo lao động được quản lý chặt chẽ hơn; thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật được chú trọng. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài là 89.874 lao động, đạt 71,89% kế hoạch năm 2024. Tính đến tháng 7/2024, cả nước có 154.268 lao động nước ngoài đang làm việc.

Tại buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được đẩy mạnh.

Ước đến hết tháng 6/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 18,3 triệu người, chiếm 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người so cùng kỳ năm trước; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng, số người quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 466.000 người, giảm 10,1% so cùng kỳ, trên 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng 2,4% so cùng kỳ.

Bộ đã tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so cùng kỳ năm trước.

Ước thực hiện 6 tháng đầu năm tuyển sinh 1.042.000 người, đạt 42,88% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 87.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 955.000 người. Tốt nghiệp 845.000 người, đạt 39,38% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 136.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 709.000 người.

Bên cạnh đó, Bộ đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Đồng thời, Bộ tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tính đến tháng 6/2024, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 1.878, trong đó có 392 trường cao đẳng; 428 trường trung cấp; 1058 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Dạy nghề thường xuyên.