Tại Hội thảo “Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức, đại diện các tổ chức quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội, vai trò của hệ thống an sinh xã hội trong giải quyết các vấn đề già hóa dân số, lao động khu vực phi chính thức, giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hướng đến các thông lệ quốc tế
Tại hội thảo, Giám đốc An sinh xã hội và Việc làm khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới), ông Yasser El.Gammal đã chúc mừng Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cho rằng đây thật sự là một thành tựu, vì đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tiếp tục củng cố và mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội, phù hợp với tầm nhìn mà Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ngày 28/5/2018 (Nghị quyết số 28) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đề ra. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mang lại tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực then chốt như: Chế độ lương hưu, độ bao phủ bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tăng phạm vi bao phủ và các phúc lợi an sinh xã hội. Việc Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua đã góp phần đưa việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cũng như các vấn đề an sinh hướng đến tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Theo ông Yasser, mặc dù Việt Nam có thành tích tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua nhưng tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao. Khoảng 76% tổng số lao động vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức và trong số 1,9 triệu lao động phi chính thức ấy chỉ có 5% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào năm 2023.
Việt Nam đang ở thời điểm bùng phát về nhân khẩu học, cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từng thấy trên toàn cầu. Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số (65 tuổi trở lên) sẽ tăng từ 7% lên 15% vào năm 2035. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống bảo hiểm xã hội nếu phần lớn trong số họ không được nằm trong mạng lưới an sinh. “Nhận thức được những thách thức nêu trên, Chính phủ Việt Nam đã có những sáng kiến chính sách tích cực trong thời gian qua. Gần đây, tuổi nghỉ hưu đã bắt đầu tăng dần. Những cải cách trong hệ thống bảo hiểm xã hội nhằm bền vững hơn về mặt tài chính và tăng cường mở rộng diện bao phủ được phản ánh rõ ràng trong Nghị quyết số 28.
Theo ông Yasser El.Gammal, những cải cách mạnh mẽ được áp dụng trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được thông qua có thể góp phần giải quyết khoảng cách về phạm vi bao phủ cả đóng góp và lương hưu. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu đóng góp 60% vào năm 2030 như Nghị quyết số 28-NQ/TW vẫn còn nhiều khó khăn, điều này đòi hỏi phải có những cải cách và cải tiến trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Lấp khoảng trống an sinh khu vực lao động phi chính thức
Phó Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Duy Hùng cho biết, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Việt Nam đã đi vào cuộc sống. Theo đó, đến năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1.124.548 người, tăng gần gấp đôi so năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2021, tốc độ phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng chậm lại, khi cả nước có 1.449.820 người tham gia, chỉ tăng 29% so năm 2020.
Theo ông Hùng, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã khắc phục được những bất cập của chính sách thời gian trước đây, đồng thời, ngành bảo hiểm cũng đã có nhiều giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở khu vực phi chính thức như: Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để truyền thông chính sách đến với đông đảo người dân; kiện toàn thành viên ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp; phân công, phân nhiệm cụ thể, đồng thời gắn trách nhiệm thực hiện đến từng thành viên…
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, ông Robert Palacios đã chia sẻ góc nhìn từ đánh giá việc già hóa dân số, tình trạng phi chính thức ở châu Á tác động đến an sinh xã hội và bài học cho Việt Nam. Theo đó, Đông Nam Á đang có tốc độ già hóa dân số nhanh chưa từng thấy. Cùng với già hóa dân số, thì số lao động trong độ tuổi đang giảm dần và già đi trước khi đạt được mức thu nhập cao. Trước tình trạng nêu trên, ông Robert Palacios cho rằng, để bảo đảm an sinh cho lao động khu vực phi chính thức, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng các giải pháp thúc đẩy lương hưu tự nguyện, mở rộng lương hưu xã hội, tăng mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, xây dựng các cơ chế khuyến khích người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Chia sẻ thành công về giải quyết điểm mù trong phạm vi bao phủ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc, TS Hyunpo Moon, chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới cho biết: Ban đầu, Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc chỉ chi trả cho lao động toàn thời gian, sau đó liên tục được mở rộng để chi trả cho nơi làm việc có năm lao động toàn thời gian trở lên, nông dân và ngư dân, người dân thành thị và nơi làm việc có từ một lao động trở lên; và hiện tại đã trở thành chương trình hưu trí cho toàn dân.
Nhờ mở rộng dần từng nhóm đối tượng, đến năm 2020, số người được bảo hiểm theo chương trình hưu trí quốc gia (NPS) chiếm đến 72,2% trong tổng số người từ 18-59 tuổi. Để thu hẹp khoảng cách bao phủ người tham gia, từ năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp mức đóng góp cho nhóm lao động mục tiêu.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn đánh giá: Các tham luận, ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đều có giá trị thực tiễn với Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung. Từ những nghiên cứu, bài học kinh nghiệm trên thế giới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thêm những giải pháp, kế hoạch để phát triển tốt hơn nữa hệ thống bảo hiểm xã hội; đồng thời có những kịch bản cụ thể nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.